Cùng bé làm việc nhà, thân thiện với các bạn của bé, không lớn tiếng với người thân trước mặt bé, đối xử công bằng giữa các bé... là những phương thức nêu gương tốt cho bé.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các gợi ý khác từ Womentoday.
1. Bố mẹ không nên cãi nhau hay gây gổ trước mặt bé
Bé có thói quen bắt chước lời nói và hành vi từ bố mẹ. Do đó, nhiều bé sẽ bị ám ảnh nếu phải chứng kiến cảnh bố mẹ mình cãi, mắng nhau. Vô hình, chuyện này sẽ gây ra một vết đen trong tâm trí bé và dẫn tới các hành vi bạo lực sau này.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên gay gắt, la mắng khi muốn tranh luận với bé về vấn đề gì. Thái độ khó chịu này ở bạn sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách bé. Khi ấy, hoặc là bé sẽ tỏ ra sợ sệt, lảng tránh bạn, hai là bé tỏ vẻ chai lỳ, sẵn sàng “thách thức” lại với bạn.
Ảnh: GettyImages
2. Đối xử công bằng
Nếu trong nhà, bé còn có thêm anh chị em, bạn nên chú ý cư xử công bằng với các bé. Nhiều bậc cha mẹ có “truyền thống” cưng bé trai hơn. Điều này sẽ khiến một bé được nuôi chiều sinh hư, trong khi bé còn lại thì luôn ấm ức.
3. Trung thực và tế nhị
Dù bất kỳ lý do nào, nói dối cũng là một hành vi không đáng được khuyến khích.
Tuy nhiên, trong cuộc sống có những tình huống bé không nên nói thật. Ví dụ như nói về khiếm khuyết ngoại hình của bạn cùng chơi. Lúc này, bạn có thể giải thích và giúp bé phân biệt giữa sự giả dối và sự tế nhị.
4. Biết tha thứ
Khi bé có hành vi sai và thực lòng muốn nhận lỗi. Lúc này, sự khoan dung của bạn có ý nghĩa rất lớn để xây dựng lòng tự tin của bé. Có thể lần sau, bé vẫn tiếp tục mắc lại lỗi đó, bạn nên kiên nhẫn nhắc nhở, chứ không nên càu nhàu với bé những câu như: “Con ngốc thế, mẹ nhắc bao nhiêu lần rồi hả?” hay “Đầu óc con để đâu thế, lúc nào cũng mắc lỗi”…
5. Nồng nhiệt với các bạn của bé
Bé sẽ rất vui thích khi bạn đồng ý cho bé mời một vài người bạn đến nhà chơi. Có thể các bạn bé sẽ nô đùa, nghịch ngợm và mắc lỗi, bạn cũng nên nhắc nhở nhẹ nhàng. Nếu không, bé sẽ “mất mặt” với các bạn lắm.
6. Làm việc nhà theo nhóm
Những công việc nhà hàng ngày, bạn có thể nhờ chồng con chia sẻ cùng. Tốt nhất, bạn nên phân chia việc nội trợ theo nhóm. Chẳng hạn, bé và bố sẽ lau nhà trong khi mẹ và anh (chị) bé nấu cơm hoặc ngược lại. Cách này giúp bé thêm gắn kết tình cảm với gia đình và sống có trách nhiệm hơn.
7. Giải đáp mọi thắc mắc của bé
Kể cả những chuyện tế nhị, khó nói, bạn cũng nên tìm cách giải đáp thỏa đáng khi bé tò mò. Nếu không, bé có thể tự tìm câu trả lời từ bản thân mình hay bạn bè bé, như thế càng nguy hại.
Bạn cũng không nên giới hạn bé theo cách: “Điều này lớn lên con sẽ biết” hay “Tò mò nhiều thế là hư lắm đấy”. Nếu bạn chưa tìm ra đáp án kịp thời cho những câu hỏi khó của bé, bạn có thể gợi ý để bé cho thêm thời gian suy nghĩ. Sau đó, tốt nhất, bạn không nên làm ngơ hoặc cố tình quên trả lời bé.
8. Kiên định
Nếu bạn đã hứa sáng nay cho bé đi công viên thì không nên thay đổi. Trường hợp muốn hủy hẹn, bạn có thể trao đổi lý do với bé. Lời nói nên đi đôi với hành động, nếu không, bé sẽ thất vọng và “nhiễm” thói xấu này từ bạn.
9. Cẩn thận khi nói xấu người khác sau lưng
Chớ nên nghĩ bé còn nhỏ mà bạn muốn nói sao cũng được. Cần chú ý với những lời nói xấu sau lưng người khác, bé có thể nghe được và nhanh chóng tỏ thái độ khó chịu với người mà bạn đề cập tới, nhất là khi đấy lại là những người thân trong gia đình.
10. Không nên quát nạt bé nơi công cộng
Bị mẹ quát mắng khi đi siêu thị, ăn hàng, ở chỗ đông người khiến bé ức chế, ngại ngùng và xấu hổ. Vì vậy, bạn nên giữ thái độ bình tĩnh nhất và có thể xử phạt khi bé đã về nhà.
Theo mevabe.net