Giáo dục trẻ
   Biến con thành ''gà công nghiệp''
 


Quan trọng là việc học hành, chứ những thứ vặt vãnh khác rồi tự nó biết tất" hay "xã hội bao điều nguy hiểm, sểnh ra một tí là bọn trẻ hư ngay", những suy nghĩ ấy khiến nhiều ông bố bà mẹ đã biến con mình thành "gà công nghiệp". 

Cùng có lối suy nghĩ như vậy nên anh Thắng, chủ một cửa hàng bán xe máy ở Tây Sơn - Hà Nội, cố tạo cho con một môi trường sống “vô trùng”. Sáng đưa con đến trường, chiều đón về, cấm con giao du với đám bạn cùng ngõ, đi đâu phải có bố mẹ theo. Việc nhà đã có người giúp việc, học hành có gia sư kèm cặp. Vậy mà anh thấy con ngày càng sống khép kín, sức học thì giảm sút.

Mới đây, anh chột dạ khi được cô giáo chủ nhiệm thông báo là Ngọc, con gái anh, dạo này học sút hẳn và thường không tập trung trên lớp. Gặng hỏi mãi, anh chị mới biết là, gần đây, Ngọc thường bị bạn bè trêu trọc là “đồ mụn nhọt” là “em chã” nên tâm không còn tập trung vào học hành. Vì ít tiếp xúc với bên ngoài nên Ngọc rất nhút nhát, ngại phát biểu và hỏi han. Cô bé lại dậy thì sớm, và ít vận động nên thể trạng rất béo. Ngọc càng ngại lên lớp và gặp các bạn hơn.

Còn chị Minh, kế toán một công ty xuất nhập khẩu ở Gia Lâm - Hà Nội cũng đang buồn lòng vì hai “cục cưng” vốn rất ngoan ngoãn, kháu khỉnh của mình. Chị luôn nghĩ, yêu con là làm mọi thứ vì con, để con có thể tập trung học hành. Đi làm cả ngày, về đến nhà chị lại tất bật lo cơm nước, giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa. “Công chúa” và “hoàng tử” của chị thì nằm xem ti vi, đọc truyện tranh, vì theo chị “các con đã học hành vất vả, phải để chúng có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi”.

Càng lớn, hai đứa trẻ càng có nhiều đòi hỏi. Thằng em thì muốn có chiếc máy vi tính xịn, con chị thì đòi xe máy, điện thoại như những đứa bạn cùng lớp. Chị giải thích cho con rằng hoàn cảnh kinh tế nhà mình còn eo hẹp, những thứ ấy lại chưa cần thiết nhưng cả hai đứa đều không nghe và còn giận dỗi chị. Có hôm, chị ốm, hai đứa con, một lớp 11, một lớp 8, không biết tự nấu cơm chứ chưa nói gì đến chăm sóc mẹ. Rồi chúng vùng vằng khi chị nhờ làm việc này, việc khác. Lúc này, chị mới ngậm ngùi, vừa buồn con, vừa giận mình. Mà chị còn lo, cứ thế này, khi sống tự lập không biết nó sẽ phải làm thế nào.

Tiến sĩ Tâm lý Mạc Văn Trang, nguyên cán bộ Viện chiến lược và chương trình giáo dục - Bộ Giáo dục Đào tạo phân tích, hiện nay, nhiều gia đình có mức sống cao hơn, lại sinh ít con nên điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn. Nhưng sự bao bọc, chiều chuộng thái quá của cha mẹ làm cho đứa trẻ thụ động, ích kỷ, thiếu kỹ năng sống. Khi đã quen với việc được phục vụ, trẻ sẽ không chịu lao động và không biết quý trọng công sức của người khác, dần dần hình thành thói ỷ lại, thiếu ý chí và khó thích ứng với môi trường sống…

Một dạng "gà công nghiệp" khác là những đứa trẻ bị áp đặt phải học tập, chọn nghề và sống theo cách của cha mẹ. Những bậc phụ huynh này bắt con học quá nhiều, theo ý thích của mình mà không cần biết nguyện vọng của con như thế nào, khiến trẻ bị áp lực tâm lý rất nặng.

Gia đình anh Quân, chị Hồng là một ví dụ. Anh chị là chủ một công ty tư nhân ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, lại có duy nhất một cậu con trai nên dành hết tâm sức lo cho con học hành. “Hổ phụ sinh hổ tự”, anh Quân, luôn tự hào khi nói về con với bạn bè. Từ khi còn là một chú nhóc, Hải đã được bố mẹ chăm sóc rất kỹ với mọi thứ tốt nhất, mua các loại đồ chơi phát triển trí tuệ và bắt Hải không được nghịch những trò dính dáng đến đất cát, bụi bẩn. Từ vỡ lòng đến trung học, cậu quý tử được bố mẹ lo cho vào học ở những trường danh tiếng. Anh chị muốn cho con đi du học về quản trị kinh doanh và khi về nước, Hải sẽ phát triển sự nghiệp mà cha mẹ gây dựng. Nhưng Hải có năng khiếu vẽ và muốn thi vào Đại học Mỹ thuật. Tất nhiên, anh chị phản đối luôn: “con không biết nghĩ cho bố mẹ thì cũng phải lo cho thân mình. Đường đã dọn sẵn, cứ thế mà đi, tranh ảnh chỉ là phù phiếm!"

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trang cho rằng, giáo dục là làm phát triển mọi năng lực ở con người. Mà mỗi người có sở thích, năng khiếu riêng. Nhưng hiện nay, không hiếm bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, bắt con phải ngồi vào chỗ mà họ muốn. Không thể vì bố muốn giàu có, được vinh danh mà bắt con phải theo kinh doanh, hay không phải vì con người ta học đại học, cao học mà con mình buộc phải thành ông nọ bà kia cho bố mẹ mở mày mở mặt. Ở nhiều nước, người ta đã nói nhiều đến “hội chứng của thành đạt”, tức là sự thành đạt ấy không phải do họ muốn, mà là để làm vui lòng cha mẹ, để hoàn thành ý nguyện của người khác.

Cũng theo ông Trang, bố mẹ ai cũng yêu thương và muốn mang lại cho con cái những điều tốt nhất. Nhưng không phải việc bao bọc con, làm thay con mọi việc đã là tốt. Trước cuộc sống hiện đại ngày càng phức tạp và nhiều cám dỗ, cha mẹ không nên tạo ra một môi trường “vô trùng” cho con cái, mà hãy giúp con có khả năng “miễn dịch” với những cám dỗ và có bản lĩnh đối mặt với thử thách. Đừng biến con cái thành những “chú gà công nghiệp”, chỉ luẩn quẩn trong chiếc chuồng chật hẹp do bố mẹ xây nên.

Theo VnExpress

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hãy là người cha, người mẹ mà con bạn mong đợi (18/9)
 Dạy trẻ tự bảo vệ (17/9)
 Xây dựng ở bé những tố chất tốt (15/9)
 Những câu nói khó chịu của bé (15/9)
 Rèn luyện ý chí cho trẻ như thế nào? (12/9)
 Khi con bạn thích phá phách (12/9)
 Dạy trẻ cách sống tích cực & chủ động (12/9)
 Tư vấn tâm lý khi trẻ bắt đầu đến trường mẫu giáo (10/9)
 Sự ích kỷ của trẻ dưới 8 tuổi (10/9)
 Trẻ chơi trò chơi máy tính (game) như thế nào? (5/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i