Cha mẹ rất lo lắng khi bé hay gây gổ với bạn bè hoặc với các anh chị em trong gia đình. Nếu bé có anh chị hay em thì việc ganh tỵ giữa các bé diễn ra tương đối phổ biến.
Theo Rasingchildren, có một số cách giúp bạn hướng dẫn bé cách sống hòa thuận với mọi người.
Xung đột giữa các bé
Bé thích “sinh sự” với chị gái là vì bé muốn được cha mẹ chú ý và trở thành người quan trọng hơn. Hoặc đó cũng là cách để bé giải quyết vấn đề theo ý kiến riêng của cá nhân bé.
Bạn nên giúp bé học cách tranh cãi trong hòa bình mà không dùng lời lẽ xấu hay những hành vi thô bạo với người khác.
Nguyên nhân các vụ gây gổ
Phát hiện ra cha mẹ quan tâm đến chị gái nhiều hơn, ngay lập tức bé sẽ “lên tiếng phản đối”. Chẳng hạn, bé sẽ nhanh miệng lý sự: “Con muốn váy đẹp như chị My cơ” khi bạn mua váy cho các bé. Thậm chí bé còn dành đổi để lấy lại chiếc váy theo ý bé là đẹp hơn.
Nếu bạn phân chia và đối xử không công bằng giữa các bé, 1 trong 2 bé còn lại sẽ buồn chán, thất vọng và tỏ ra ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau. Bé sẽ xuất hiện cảm giác không hài lòng, thậm chí cả suy nghĩ “con bị bỏ rơi, không ai cần con”. Do đó, bé sẽ có xu hướng thô bạo với anh chị em mình khi cảm thấy mình bị “lép vế” hay “ra rìa”.
Ảnh: GettyImages
Vai trò của cha mẹ
Khi phát hiện các vụ gây gổ giữa của bé, bạn nên nhanh chóng can thiệp và thu xếp ổn thỏa. Tránh để các bé tự làm tổn thương lẫn nhau.
Dành thời gian thỏa thuận với các bé về 1 số nguyên tắc nhất định trong gia đình. Chẳng hạn: “Hôm nay mẹ mua giày mới cho chị My vì giày của chị hỏng rồi. Hôm khác mẹ sẽ mua giày mới cho con sau”.
Trao đổi rõ ràng về “tài sản” riêng của cá nhân các bé và yêu cầu các bé phải tôn trọng điều đó. Ví dụ: “Đây là gấu bông của chị, nếu con muốn mượn thì con phải xin phép chị trước đã”.
Hãy dạy bé cách chia sẻ đồ chơi và chơi cùng anh chị bé hàng ngày.
Bạn không nên so sánh bé này với bé kia, nhất là chê bai nhược điểm của bé. Bạn nên rộng lượng và đối xử công bằng để các bé có cảm giác được cha mẹ yêu thương như nhau.
Bên cạnh đó, bạn nên tôn trọng sở thích riêng của các bé và khuyến khích các bé tham gia vào các trò chơi hay vận động hàng ngày. Chẳng hạn bạn nên để bé tự do tô màu, học vẽ trong khi chị gái bé say sưa với trò may áo cho gấu bông. Bạn có thể ở bên cạnh hướng dẫn các bé hoán đổi trò chơi nếu cần.
Thời điểm bạn cần can thiệp
Thông thường các bé luôn muốn tự giải quyết các vụ sinh sự lẫn nhau. Bạn chỉ nên can thiệp khi các bé đánh nhau hay khi mọi chuyện ngòai tầm kiểm soát.
Bạn nên giữ thái độ ôn hòa khi giải quyết tranh chấp giữa các bé, tránh việc bênh vực bé này, quát tháo bé kia. Bạn cũng có thể giữ vai trò “trọng tài chính”, lắng nghe ý kiến của cả hai bé và đưa ra kết luận cuối cùng.
Yêu cầu bé giữ bình tĩnh và yên lặng trong khi bé kia đưa ra ý kiến riêng của mình. Chẳng hạn nếu bé thích xem phim họat hình ở kênh 6 trong khi chị bé thích nghe ca nhạc ở kênh 7, bạn hãy gợi ý để giúp các bé đưa ra quyết định. Bạn có thể dàn xếp theo hướng để các bé tự nhường nhau, ví dụ: “Hôm nay, con xem họat hình thì ngày mai chị sẽ nghe ca nhạc”.
Giải quyết hậu quả các vụ gây gổ
Bé rất nóng tính và hay cắn chị khi chơi cùng, bạn nên nghiêm khắc với bé ngay từ bây giờ. Bạn hãy yêu cầu bé xin lỗi chị và hứa sẽ không tái phạm những hành vi như thế này thêm lần nào nữa. Bạn cũng có thể phạt bé bằng cách không cho bé ăn món kem mà bé ưa thích để bé nhớ lâu lỗi bé đã mắc phải.
Lưu ý dành cho bạn
Tính cách mỗi bé là khác nhau vì vậy bạn nên linh hoạt trong các giáo dục các bé. Nếu bé muốn được bạn quan tâm và muốn có nhiều đồ chơi hơn chị, bạn hãy trao đổi để bé hiểu rằng bạn yêu các bé như nhau.
Nói cho bé biết bạn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của bé khi gặp rắc rối và để bé tin rằng bạn có thể dàn xếp ổn thỏa các vụ ganh tỵ trong gia đình.
Theo mevabe.net