Khi trẻ bắt đầu tập đi xe đạp, bạn nên hướng dẫn từng thao tác cụ thể để bé có bước khởi đầu thuận lợi và an toàn khi điều khiển xe.
Trẻ con thường thích khám phá những điều mới lạ, trong đó, được đi xe đạp cũng mang đến nhiều háo hức cho chúng. Thế nhưng, lúc ngồi trên yên xe, con bạn có thể tái mặt vì sợ ngã.
Vậy khi trẻ ở độ tuổi nào, bạn có thể hướng dẫn con đi xe đạp là phù hợp nhất?
Khi trẻ lên ba tuổi, bạn nên cho bé làm quen với loại xe ba bánh. Tuy không phải là xe đạp bình thường, nhưng loại xe này có cơ chế hoạt động tương tự xe đạp hai bánh. Điều này sẽ giúp trẻ biết cách thực hiện những thao tác cơ bản khi điều khiển xe.
Loại xe này có bàn đạp nằm ở bánh trước nên trẻ thường cảm thấy khó khăn, lúng túng khi chuyển sang tập đi xe có hai bánh bình thường.
Làm quen với xe đạp hai bánh khi bé lên bốn
Hầu hết các trẻ đều thích đi xe đạp, nhưng khi tập điều khiển, chúng hay tỏ ra lo lắng, ngập ngừng. Lúc này, bạn nên để con tự xoay xở và tìm cách giải quyết vấn đề, tránh tạo cho trẻ thói quen dựa dẫm vào bố mẹ.
Ở độ tuổi lên bốn, bé bắt đầu ý thức hơn về hành động và từng thao tác của mình. Do đó, cho trẻ tập đi xe đạp ở lứa tuổi này là phù hợp nhất vì trong khi tập đi xe, trẻ sẽ học được một số kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.
Tuy nhiên, lúc này bé chưa biết cách giữ thăng bằng tốt, vì thế bạn nên chọn loại xe đơn giản, dành cho trẻ dưới năm tuổi. Xe loại này thường có thêm hai bánh nhỏ phụ, có tác dụng giữ cho xe không ngã khi bé chưa quen điều khiển đôi tay và chân một cách thuần thục, nhịp nhàng.
Lên năm tuổi, bé có thể tự đi xe đạp
Đôi khi, bạn không biết con mình gặp khó khăn gì khi tập xe, nhưng trẻ có thể học được nhiều điều bổ ích từ các bạn đồng trang lứa.
Hãy để các trẻ chia sẻ, hướng dẫn nhau cách đi xe mà chúng học được. Đây cũng là phương pháp tốt để trẻ tiếp xúc với thực tế.
Trẻ năm tuổi hầu như không còn cảm giác sợ hãi khi ngồi trên xe. Tuy nhiên, do thói quen đi xe có hai bánh nhỏ, trẻ vẫn gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng.
Cách tốt nhất giúp trẻ tự tin khi điều khiển xe là bạn gắn một chiếc bánh phụ vào bên trái bánh xe của con. Để bé tập giữ thăng bằng với chiếc xe có thêm bánh nhỏ này, dần dần, trẻ sẽ không còn phụ thuộc vào chiếc “bàn đỡ” nữa.
Ngoài ra, bạn cần nâng hay hạ yên xe cho phù hợp với chiều cao của bé. Điều này rất quan trọng vì ảnh hưởng đến sự phát triển xương cột sống của con bạn. Để trẻ không bị vẹo cột sống, bạn không nên hạ yên xe quá thấp.
Loại xe dành cho trẻ ở tuổi này có đầy đủ chức năng của xe đạp hai bánh bình thường. Vì thế, để bé đi xe an toàn, bạn cần dạy con cách phanh (thắng) khi muốn dừng lại. Tập cho trẻ phản xạ nhạy bén, biết xử lý tình huống khi gặp vật cản trước mắt.
Theo Bibi.vn