Xã hội
   Gia đình công nhân trẻ nhập cư: Vất vả chuyện nuôi con...
 
Hàng ngàn trẻ em là con của công nhân (CN) phải xa rời vòng tay cha mẹ về ở với ông bà nội, ngoại tận miền Trung, miền Bắc khi chỉ mới được vài tháng tuổi. Nhiều bé được gửi trong nhà trẻ “chui” nhiều rủi ro, thiếu an toàn. Và không ít em ở tuổi đến trường nhưng suốt ngày chỉ biết loanh quanh trong các khu nhà trọ chật chội, trông chờ bố mẹ đi làm tăng ca đến tối mịt mới về. Cuộc mưu sinh chật vật đang đè nặng lên thiên chức làm bố, làm mẹ của những cặp vợ chồng CN ở các khu công nghiệp hiện nay.

“Dứt sữa, về quê”
Nhà trọ số 52 Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân TPHCM quy tụ gần chục cặp vợ chồng CN người Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đồng cam cộng khổ trong những ngày xa quê kiếm sống, theo thời gian, dần dà họ hình thành đôi cặp, tiến tới hôn nhân và sinh con. Những ngày này, cả khu nhà trọ chìm trong nỗi lo toan chuyện giá tiêu dùng, chuyện nuôi con.

Bà Nhàn (72 tuổi) từ Hà Tĩnh vào TPHCM trông cháu ngoại cho con đi làm.
Vợ chồng anh Thìn, chị Mận (Công ty Pouyuen) có hai con. Anh chị phải gửi về Hà Tĩnh và chia ra, một đứa cậy bà ngoại, một đứa nhờ ông nội.

Tết vừa rồi, sau khi mang con về gửi ông bà nội, vợ chồng anh Đinh Minh Thành, CN Công ty may Kollan, quyết định dọn nhà từ Linh Xuân (Thủ Đức) ra Bình Đường (Dĩ An, Bình Dương) để tiết kiệm tiền nhà trọ. Hễ lãnh lương là họ lại lo đi mua sữa và gửi tiền về quê, sau đó còn bao nhiêu thì giữ lại trang trải.

Hai vợ chồng Hùng, Phương (Công ty Pouyuen) bây giờ đã quay về quê đoàn tụ với 2 đứa con thơ ở huyện miền núi Tuyên Hóa, Quảng Bình. Sinh xong đứa con thứ nhất, nhắm chừng không trụ nổi ở TP nếu cả hai vợ chồng cùng làm CN, Hùng về quê vay mượn hơn 30 triệu đồng đi lao động ở Malaysia. Chồng ở Malaysia, vợ ở TPHCM, con thì luân phiên hết gửi bà ngoại ngoài Hà Tĩnh lại đưa vô gửi bà nội ở Quảng Bình. Sau 3 năm lao động trở về mà giấc mộng đổi đời bất thành, trong khi vợ lại mang bầu đứa thứ 2, Hùng quyết định đưa vợ về quê. Số vốn Hùng tích góp được từ nước ngoài chỉ đủ mua được một chiếc xe gắn máy để chạy xe ôm và một con trâu để cày ruộng.

Chật vật bám trụ
Giữa trưa, khu nhà trọ CN số 13/10/2 đường số 4, khu phố 3, phường Linh Xuân (Thủ Đức) im ắng, hầm hập trong cái nắng thiêu đốt hắt thẳng xuống mái tôn thấp. Hai dãy nhà trọ nằm quay mặt vào nhau, hầu như nhà nào cũng có trẻ con. Ngày Quốc tế Thiếu nhi mà một viên kẹo, miếng bánh hay mẫu đồ chơi cũng không bé nào có. Nhìn túi hàng ít ỏi của chị Đinh Thị Thu Hiền (CN Công ty may Freetren) mang từ chợ về, tôi thấy món giá trị nhất là miếng thịt heo chị mua cho đứa con trai 5 tuổi, còn lại là 2 lát đậu hũ cùng 1 quả dưa leo. “Chừng này cũng mất 9.000 đồng rồi, thằng bé ăn được ba bữa. Vợ chồng ăn gì cũng được nhưng không để cho con ăn uống kham khổ như mình” - chị Hiền phân trần.

Chị Hiền cho biết, chị cũng như các bà mẹ trẻ ở khu nhà trọ này, sợ nhất là khi con ngã bệnh, các chị buộc phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc con. Mà nghỉ ngày nào thì công ty trừ tiền công ngày đó và cắt luôn tiền chuyên cần của tháng đó (khoảng 200.000 đồng, một số tiền rất đáng kể đối với CN). Tháng trước con trai chị Hiền bị sốt siêu vi, chị phải vạy mượn mấy hàng xóm mới có đủ 390.000 đồng để trả tiền truyền nước biển cho bác sĩ. “Cũng may là cả khu nhà trọ này sống đoàn kết, san sẻ với nhau khi gặp sự cố, chứ không thì cũng nguy rồi” - chị Hiền nói.

Không ít trẻ cha mẹ không biết gửi cho ai cứ mặc nhiên lớn lên trong các khu nhà trọ. Không trường học, không sân chơi, bố mẹ thì đi làm từ sáng đến tối mới về, nhiều em đã bị đối tượng chuyên hành nghề ăn cắp lợi dụng, bắt vào phòng trọ ăn cắp điện thoại di động và những thứ lặt vặt mang ra cho chúng…

Theo SGGP
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hội thảo miễn phí : Giúp con thành đạt. (4/7)
 Thị trường sữa: “Nội” tăng mạnh, “ngoại” giảm trọng lượng (4/7)
 Trẻ bị chết đuối nhiều nhất vào mùa hè (4/7)
 Vừa học vừa lo trường sập! (4/7)
 Búp bê dành cho trẻ em bị bệnh (4/7)
 Trung Quốc: Trường xây mới phải bảo đảm an toàn (4/7)
 Thức đêm xếp hàng nộp hồ sơ xin học mẫu giáo (3/7)
 Tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6: Giao quyền tự chủ cho cơ sở (3/7)
 Hạ bậc lương cô giáo đánh học sinh đến viêm tai (3/7)
 112 bé trai sinh ra mới có 100 bé gái (3/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i