|
Búp bê hội chứng Down
Ảnh: Timesonline |
Helga Parks là một trong số ít người làm búp bê hội chứng Down và búp bê bị các chứng bệnh khác như mù, trọc đầu… Parks cho biết tiền không phải là động cơ của cô khi sản xuất búp bê khuyết tật - dù mỗi năm cô bán khoảng 2.000 búp bê dạng này với giá 50 USD/con.
Nhiều năm trước đây khi ở Đức, Parks đã quan sát và thấy khuôn mặt của người cháu bị bệnh Down tên Angela (hiện đã qua đời) sáng lên khi được tặng con búp bê có nét mặt giống mình. Angela chỉ vào con búp bê và nói: “Đây là cháu". Những con búp bê như thế này được sử dụng ở những nhà trẻ của Đức để giáo dục trẻ em về các chứng bệnh. Điều này khiến Parks nhận ra tầm quan trọng của những búp bê khuyết tật trong việc xây dựng lòng tự trọng cho những trẻ bị hội chứng Down.
Và Parks bắt đầu quảng bá loại búp bê hội chứng Down ở Mỹ, nơi cô đang sống, qua trang web downsyndromedolls.com. Cũng có những nhận xét xúc phạm về búp bê hội chứng Down (một blogger nói rằng búp bê khuyết tật như một trò đùa vậy), nhưng nhìn chung các ý kiến chủ yếu vẫn là những phản hồi tích cực.
Búp bê khuyết tật được tạo ra nhằm để trẻ bị bệnh cảm thấy đồ chơi của các em giống với mình. Ngoài những búp bê hội chứng Down, còn có các búp bê có chân tay giả, búp bê đeo trợ thính, búp bê mù có chó dẫn đường… Đến nay, những búp bê hội chứng Down của Parks được ưa chuộng không chỉ ở Mỹ mà còn tại Anh, Úc, Nam Mỹ, Ả Rập và các nước châu Âu. Dự án mới của Parks là làm búp bê không có tóc dành cho những trẻ em bị bệnh ung thư phải điều trị bằng hóa chất.
Theo Báo Tuổi Trẻ