Trong nhà trường hiện nay có rất nhiều môn học đề cập đến việc rèn luyện nhân cách trẻ. Ngay từ nhỏ các em cũng đã biết thế nào là tình thương yêu giữa con người với nhau, trước cái tốt phải làm sao, trước cái xấu phải thế nào? Điều đó được cụ thể hoá trong các môn học như giáo dục công dân, lịch sử, văn học... Và nếu có một bài test cho các em thì kết quả bao giờ cũng tốt.
Thế nhưng vì sao trong thực tế các em lại rất vô tình trước nỗi đau của người khác ?
Câu trả lời rất rõ ràng là do chúng ta giáo dục các em chỉ bằng mớ lí thuyết khô khan, giáo điều. Mà trong cuộc sống, hành động mới là yếu tố có sức thuyết phục cao. Một khi không có yếu tố thực hành, trẻ sẽ không khắc sâu vào tâm trí của mình và sẽ khó tạo cho mình thái độ sống vì mọi người.
Gia đình cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ. Không ít bố mẹ dạy con mình cần phải ăn nói, ứng xử có văn hoá, kính trọng cha mẹ, giúp đỡ người khác; nhưng lúc nào cũng chửi thề, văng tục, vô lễ, bất hiếu với cha mẹ, thờ ơ trước những số phận cơ nhỡ, bất hạnh... trong cuộc sống thì chỉ có tác dụng ngược trong việc rèn luyện nhân cách con trẻ.
Người Việt Nam ta luôn tự hào với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Đó là một điều không ai chối cãi. Không ít người trong chúng ta vẫn đang "sở hữu" phẩm chất tốt đẹp ấy. Nhưng trước tai nạn, khó khăn của người đi đường, trong hàng ngàn người tham gia giao thông, chỉ có hai người nước ngoài ra tay nghĩa hiệp, gần 100% còn lại là người Việt Nam ta không hề quan tâm thì cần phải xem lại cách giáo dục của gia đình và nhà trường trong việc rèn luyện nhân cách con người trong bao lâu nay.
Theo Báo Tuổi Trẻ