Hai ngày cuối tuần qua, 15 học sinh nội trú Trường tư thục Thái Bình ở quận Tân Bình, đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, bỏ ăn, ngủ li bì. Chẩn đoán của bác sĩ, tất cả bệnh nhân đều bị sốt siêu vi (cúm A).
Theo Ban giám hiệu trường Thái Bình, do môi trường nội trú nên bệnh đã lây lan nhanh trong học sinh. Trước đó chỉ có một em bị cảm.
Tại các Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và khoa nhiễm bệnh viện 115, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi... số trẻ mắc cúm A cũng có dấu hiệu tăng với hàng trăm ca nhập viện mỗi ngày. Đặc biệt, nhiều trẻ dưới 2 tuổi bị biến chứng, chuyển sang tình trạng viêm phổi.
Bệnh nhi mắc sốt siêu vi điều trị tại BV Nhi Đồng 2. Ảnh: T.C.
Theo bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, cúm A thông thường có thể tự khỏi sau một tuần. Tuy nhiên một số siêu vi hô hấp A vẫn có thể gây viêm phổi nặng đối với trẻ nhỏ, nhất là những bé có cơ địa yếu.
Còn theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP HCM, cúm A là một bệnh hô hấp có khả năng lây lan rất nhanh trong không khí qua tiếp xúc. Do đó khi có người trong gia đình, hoặc học sinh nội trú bị mắc bệnh, cần điều trị ngay hoặc hạn chế tiếp xúc để tránh bị lây nhiễm trên diện rộng.
Bác sĩ Trần Thị Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, rất dễ nhận biết dấu hiệu của bệnh qua những triệu chứng như sổ mũi, thở khò khè, mệt mỏi… Khi thấy trẻ sốt mà vẫn chơi, ăn được, tỉnh táo; gia đình nên theo dõi, chăm sóc bé tại nhà bằng cách cho trẻ dùng thuốc Paracetamol dạng uống hoặc đặt hậu môn với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng.
Bác sĩ Việt cũng khuyên cần cho trẻ bị bệnh mặc quần áo thoáng mát để hạ nhiệt. Trường hợp cháu mệt mỏi, bỏ ăn, bỏ bú, nôn ói hay đau bụng... thì nên đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Không tự ý dùng thuốc hoặc để đến khi bệnh nặng mới đưa đến viện sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.
Theo Tin Tức