Tại nhiều lớp luyện chữ ở Hà Nội, sau mỗi giờ học, phụ huynh xếp hàng dài chờ đón con. Học sinh chủ yếu là các bé chuẩn bị bước vào lớp 1.
Nằm trong ngõ trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) lớp học chữ của cô Liên Hương khá rộng rãi. Trong cái nắng gắt của ngày hè, hơn 20 "học trò" các lứa tuổi từ mẫu giáo, học sinh cấp 1 đang tập trung tô, viết chữ. Mấy chiếc quạt trần được mở hết công suất. Ba cô giáo đi lại trong lớp, hết cầm tay các em bé mới học, lại nhắc nhở các học sinh lớn hơn tập viết.
Cô Hương cho biết, ở lớp học này, có những em đã theo học gần năm nay, có cháu hè nào cũng đến luyện chữ. "Những bé chuẩn bị vào lớp 1 sẽ được học cách ngồi, cách cầm bút, rồi tập tô các nét, đường cong, viết chữ thế nào cho đúng... Học sinh đến từ nhiều nơi nên tôi cũng phải học hỏi cách dạy của mỗi trường để dạy các em cho phù hợp", cô Hương tranh thủ trò chuyện.
Theo cô Hương, để viết chữ đẹp, tay phải thật mềm mại khi cầm bút, 3 ngón tay phải chụm lại nơi đầu bút, cổ tay phải lỏng, tay phải đặt vững trên bàn, nghiêng vở về phía bên phải so với mép bàn 30 độ... Lớp cô dạy cả chữ nghiêng, chữ thẳng...
Chị Bích, nhà ở Thanh Xuân, tuần 3 buổi lại đưa con đến luyện chữ. Những hôm cho con đi học, chị phải đi làm muộn vì lớp học 9h sáng mới bắt đầu. Nhưng sợ con không theo kịp các bạn khi vào lớp 1 nên chị cố xắp xếp công việc để đưa con tới lớp, rồi 2 tiếng sau lại đón con về.
"Bây giờ, phụ huynh nào cũng cho con đi học trước khi vào lớp 1, nếu con mình không đi, lại tụt hậu so với các bạn. Nhưng từ khi cho cháu đi luyện chữ, tôi thấy cháu cẩn thận và tập trung hơn rất nhiều", chị Bích tâm sự.
Lớp học chữ của cô giáo Hương, phố Chùa Bộc. (Ảnh: Anh Thư)
Rút kinh nghiệm từ đứa con đầu, chị Thu Minh ở quận Cầu Giấy 3 năm trước cũng có quan điểm sợ cho con đi học trước, sau này vào lớp con sẽ không tập trung học. Nhưng đứa con lớn của chị (năm nay vào lớp 4) viết chữ quá xấu. Năm nay, đứa con gái nhỏ sắp đi học, chị nhất quyết cho con đi luyện chữ từ sớm.
Kiên trì, nhẫn nại, thậm chí đánh vật với con chữ, bé Minh Trang con gái chị đã có thể luyện cho mình nét chữ uyển chuyển, nhẹ nhàng mặc dù bé mới học được 3 tháng. Chị Minh cho biết: "Chính tôi cũng ngạc nhiên vì những nét chữ của cháu. Nếu đợi cháu vào lớp 1 mới học, tôi sợ mỗi lớp mấy chục em học sinh, cô giáo không có điều kiện để chỉ dẫn tận tình như vậy được. Các cụ nói "nét chữ, nét người", vì thế tôi cũng muốn cháu rèn chữ ngay từ bé".
Đối với một số phụ huynh, cho trẻ đi học chữ sớm cũng là cách để giải quyết tình trạng các cháu nghỉ hè mà không có nơi gửi. Chị Linh Thư, ở tập thể Thành Công có con chuẩn bị vào lớp 1. Ông bà lại ở xa, chị không biết gửi con vào đâu nên cho đi luyện chữ.
Lớp học nhỏ ở đường Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân của cô giáo Thêu gồm 7 cháu sắp vào lớp 1. Trong cái nắng hè gay gắt, các bé đang luyện từng nét chữ, nhiều bé lần đầu tiên cầm bút nên rất lóng ngóng. Lớp học bắt đầu từ ngày thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần với mức học phí là 300.000 đồng, kéo dài 2 tháng.
Có em tập trung viết, mặt cúi gằm sát vở chăm chăm tô theo từng nét chấm bi màu đỏ của cô, có em nhoài hết cả lên bàn mới viết được, có em đánh vật với vài chữ rồi lại ngọ ngoạy hoặc nói chuyện với các bạn. Cô giáo tất bật với học trò nhí, miệng nhắc bạn này ngồi thẳng, bạn kia ngẩng đầu, lúc lại cầm tay đưa từng nét chữ cho các bé.
Thường một lớp luyện chữ ở các trung tâm hoặc học tại nhà riêng kéo dài 2 tháng, tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng với giá 300.000-900.000 đồng. Phụ huynh muốn con học ở cơ sở có uy tín đã đặt chỗ trước 2 tháng. Chị Vân, một phụ huynh nhà ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân mấy tuần nay đều đi luyện chữ cùng con gái. "Tôi cũng tranh thủ luyện chữ luôn, để nay mai biết cách về dạy và rèn cho con", chị vui vẻ cho biết.
Hiện, Sở GD&ĐT cấm các trường tổ chức lớp học chuẩn bị vào lớp 1, nhằm đảm bảo công bằng, mặt bằng chung về trình độ cho các bé khi vào trường. Vì vậy, những lớp học thêm luyện vào lớp 1 hầu hết được tổ chức chui.
Theo TS Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia giáo dục trường mầm non Hoàng Gia, việc cho trẻ luyện chữ từ quá sớm là không nên. Do cơ thể các cháu đang phát triển, nếu bắt các em ngồi 2 tiếng để tập viết sẽ gây nên việc cơ thể, chân tay chóng mỏi, như thế các bé sẽ phải dùng sức để tập viết.
"Việc quá sức ấy sẽ nhanh chóng làm cho các bé cảm thấy sợ, không tìm được hứng thú cho việc học.", bà Thoa nhấn mạnh.
Theo Tin Tức