Sinh ra đã có tài thường được coi là điều may mắn. Nhưng các chuyên gia dạy những thần đồng hay chính bản thân các em bé này lại cảm thấy những điều khác hẳn những gì người khác nhìn nhận về trẻ thiên tài.
Trong hơn 30 năm qua, Tiến sĩ Usanee Anuruthwong đã làm việc tại Trung tâm Trẻ em tài năng Thái Lan (thuộc trường Đại học Srinakharinwirot, Thái Lan). TS. Usanee Anuruthwong cho biết bà nhận thấy sự cô đơn ở những đứa trẻ có tài và điều đó khiến bà dành cả đời mình cho sự nghiệp nuôi dưỡng trẻ tài năng. Bà nói rằng hầu hết mọi người đều ghen tị với những bậc cha mẹ có con “thần đồng” nhưng đằng sau những trẻ em tài năng là một chuyện hoàn toàn khác.
Theo một khảo sát mới đây của trường ĐH Srinakharinwirot, có tới 90% trẻ em tài năng ở trong tình trạng khủng hoảng, khoảng 80% thiếu tự tin và cô đơn bởi vì những trẻ em khác cùng độ tuổi không có mức thông minh như các em. Nhiều trẻ tài năng bị hội chứng lòng tự trọng thấp. Những trẻ thiên tài luôn luôn lanh lợi nhưng không hiếu động thái quá bởi vì các em có những trách nhiệm lớn lao và được kỳ vọng là những người hoàn hảo. TS. Usanee nói thêm rằng nhiều trẻ có tài nghĩ rằng quanh các em có quá nhiều người ngớ ngẩn.
Theo bà Usanee, đa số các bậc cha mẹ đều rất tự hào về những đứa con “thần đồng” của mình và do đó đã thúc đẩy các em phải tỏ ra xuất chúng. Tuy nhiên, đó không phải là một phương pháp đúng đắn.
TS. Usanee nhấn mạnh rằng có rất ít những trẻ em có tài bẩm sinh mà lớn lên một cách bình thường bởi vì ngay từ nhỏ các em đã chịu áp lực nặng nề. Vấn đề chính với những thần đồng là các em có kỹ năng xã hội kém. Do vậy, các bậc cha mẹ của những trẻ em này không nên chỉ tập trung vào thành tích học tập của con mà phải chú trọng cả đến những mặt phát triển khác nữa của chúng.
Theo Dân Trí