Các cháu tôi than thở suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào sách vở, hết học chính khóa đến học thêm, làm bài tập về nhà… có mấy khi được ra ngoài, được đi chơi công viên, sở thú đâu.
Học, học, học và làm bài tập, đó là yêu cầu nghiêm khắc được nhiều bậc phụ huynh lẫn giáo viên đặt ra cho các em, nhất là những em chỉ mới ở tiểu học. Họ quên mất một điều là các em còn có nhiều nhu cầu khác cũng không kém phần quan trọng, góp phần làm cho việc học có hiệu quả hơn.
Lời cầu cứu
Đang ngồi xem ti vi, bỗng nghe tiếng chuông điện thoại reo, tôi nhấc máy, tiếng cô cháu đang học lớp 2 khẩn khoản: “Ông ơi, cô cho cháu bài tập viết năm câu có nội dung miêu tả một con chim ông ạ”, “Thì cháu cứ tập làm đi” - tôi trả lời. “Nhưng mà… Ông ơi con chích bông nó có to không hả ông? Cháu chưa nhìn thấy…”. “Chưa nhìn thấy thì làm sao mà tả được! Cháu tả con khác đi. Con chim gáy cúc cu chẳng hạn.” - Tôi gợi ý. “Cháu cũng chưa nhìn thấy nó mà. Nó như thế nào?” - đứa cháu lại hỏi. Tôi bắt đầu lúng túng:
“Hay là con chim bồ câu vậy. Nó có thân mình cũng đẹp, lông cánh lông đuôi dài xòe ra hay lắm. Mà nó có đôi mắt rất hiền… đáng yêu lắm”. “Cháu cũng chưa nhìn thấy”. Con bé bối rối. “Cháu không nhìn thấy một con chim nào bao giờ ư? Vô lý!”. “À, cũng có chứ. Nhưng lúc đó có ai bảo cháu quan sát đâu mà cháu biết. Thôi vậy ông ạ. Để cháu nhờ bố mẹ hay chị cháu đã nhìn thấy rồi tả hộ vậy”. Nó thất vọng buông máy. Tôi cũng bất lực buông máy.
Sau đó tôi còn biết không chỉ cháu tôi mà nhiều bạn của nó lẫn anh chị nó cũng gặp phải những trường hợp tương tự. Các cháu còn than thở suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào sách vở, hết học chính khóa đến học thêm, làm bài tập về nhà… có mấy khi được ra ngoài, được đi chơi công viên, sở thú…
Lại một lần khác, có một chị bạn làm bên ngành thuế có đứa cháu học lớp 4 cho biết: “Cháu mình rất thích môn khoa học nhưng lại ngớ ra trước một cây cau kiểng vì không biết đó là cây cau hay cây dừa”. Có một điều hơi nghịch lý nhưng phải thừa nhận là có những em học ở trường rất khá nhưng khi hỏi đến thực tế thì lại chẳng biết gì.
Học phải từ thực tiễn
Trở lại chuyện làm văn của đứa cháu. Giá như các thầy cô yêu cầu tả một con gà và hướng dẫn các em ra chợ hoặc nhà nào có gà để quan sát hay hướng dẫn quan sát để các em có được một bức tranh có màu sắc khi làm bài có lẽ tốt hơn nhiều. Và tôi đã không phải cứ lan man nghĩ về cái sự lúng túng của cháu, sự bất lực của mình trước một sự việc nhỏ đó.
Tôi cũng từng đi học và cũng từng lúng túng khi phải làm bài miêu tả. Có lần tôi còn tò mò đọc một bài viết ở một tờ báo giảng giải những tri thức chung về văn miêu tả và theo cách giảng giải ấy thì những người không phải nhà văn như tôi làm sao mà làm nổi. Nào là học sinh phải “thổi hồn vào đó - đối tượng miêu tả - qua tình cảm thẩm mỹ, qua đánh giá, bày tỏ thái độ”. Nào là phải miêu tả từ bên trong với triết lý vạn vật “hữu linh” để cảm nhận về tâm tư, trạng thái tình cảm của con người liên quan đến đối tượng miêu tả…v.v.. Trong khi với kiểu học “chay” chỉ biết có sách vở như thế thì chuyện học ở trường giỏi mà về nhà không biết gì cũng không có gì lạ.
Thật ra, phụ huynh lẫn giáo viên đều hiểu rằng các em luôn thích được vui chơi, đến công viên giải trí hay tham gia các hoạt động ngoài trời sau giờ học hơn là tiếp tục đến các lớp học khác. Thế nhưng vì thành tích, vì sự kỳ vọng quá lớn vào tương lai của con, không ít bậc cha mẹ đã phớt lờ nhu cầu cần được chơi của các em.
Nhiều người chưa nhận thức rõ rằng nếu không có một tuổi thơ phong phú, nhân cách và thể chất của bé cũng khó hoàn thiện được khi trưởng thành. Các bậc phụ huynh phải lượng sức học của con để đặt ra những yêu cầu vừa phải, không gây áp lực hay tự tạo sức ép cho mình, tăng giờ học ở trường và hạn chế làm quá nhiều bài tập ở nhà, thay vào đó là các hoạt động thể chất, những buổi sinh hoạt dã ngoại học từ thực tế sẽ khiến các em hào hứng hơn, tiếp thu nhanh hơn và không xa rời thực tế.
Theo Lê Dân
Giáo dục TPHCM