|
PGS Phạm Nhật An, trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi đang khám bệnh cho bệnh nhân viêm não |
Mặc dù thời tiết Miền Bắc thời gian vừa qua chưa nắng nóng gay gắt nhưng một số bệnh viện đã quá tải vì số bệnh nhân nhập viện tăng, đặc biệt là trẻ em do sức đề kháng cơ thể còn yếu.
Số bệnh nhân tăng từng ngày
Thời gian gần đây, thời tiết Hà Nội bắt đầu chuyển sang oi bức. Có những ngày mưa to vừa tạnh đã nắng gay gắt, làm không khí vừa ngột ngạt vừa ẩm ướt. Đây chính là nguyên nhân chính làm gia tăng số lượng bệnh nhân ở cả trẻ em và người lớn.
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Vũ Quý Hợp – Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Thời kỳ cao điểm của bệnh viện kéo dài suốt từ tháng 4 đến tháng 11. Công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt mức 72%. Bệnh viện Nhi Trung ương có tất cả 600 giường bệnh nhưng luôn có trên dưới 1000 bệnh nhân. Trong thời gian chuyển mùa hơn 1 tuần gần đây, số bệnh nhân đến khám lên tới xấp xỉ 2000 bệnh nhân/ngày. Các khoa hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, sơ sinh…, luôn trong tình trạng 2-3 trẻ/giường bệnh”.
Bế trên tay đứa trẻ mới 15 tháng tuổi, chị Đào Thị Ngọc cho biết, con chị bị sốt cách đây hai ngày, đã uống thuốc giảm sốt nhưng cháu vẫn không đỡ. Hầu hết trẻ em đến khám tại bệnh viện Nhi trưng ương đều có biểu hiện sốt, lười ăn và quấy khóc.
Theo bác sỹ Cấn Phú Nhuận, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện nhi Trung ương, những bệnh "liên quan đến thời tiết chuyển mùa" gồm viêm họng, viêm mũi họng, viêm phế quản, sốt cao co giật do siêu vi, sốt phát ban, hô hấp trên và tiêu chảy. Thời tiết chuyển sang nóng cũng là lúc xuất hiện các ca bệnh chân tay miệng, vốn đã xuất hiện nhiều ở miền Nam do nhiệt độ cao. Tuy nhiên, đây chưa phải mùa đỉnh điểm của nắng nóng nên tại Hà Nội các ca viêm não Nhật Bản còn ít.
Nguyên nhân gia tăng bệnh là do thời điểm này, khí hậu thay đổi thất thường, độ ẩm không khí tăng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh. Thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng như ở miền Bắc hiện nay, trẻ em tiếp xúc nhiều với máy lạnh, quạt có thể gây các bệnh về hô hấp. Người lớn đi gặp mưa nhưng lại chủ quan cũng có thể gây sốt, cảm cúm.
Một nguyên nhân nữa ngoài độ ẩm không khí, thời điểm chuyển mùa cũng xuất hiện nhiều loại côn trùng làm lây lan bệnh. Theo GS.TS Vũ Quang Côn – Chủ tịch hội Côn trùng Việt Nam, đây là thời điểm thích hợp cho các loại côn trùng gây bệnh như ruồi, bọ rầy, bọ cánh cứng, ve, mò….phát triển. Trong đó, nguy hiểm nhất là muỗi culextri gây viêm não Nhật Bản, muỗi alopheles gây sốt rét…Ông Vũ Quang Côn cũng cảnh báo “thời gian tới ruồi xuất hiện nhiều, có nơi đậm đặc. Ruồi có thể truyền các bệnh nguy hiểm như dịch tả, bệnh lao”. Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, bác sỹ Bùi Vũ Huy, phó trưởng khoa Truyền nhiễm (bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng trẻ em sức đề kháng yếu gặp phải điều kiện vệ sinh cá nhân kém, thực phẩm không đảm bảo, ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển thành dịch
Nguy cơ nhiều dịch bệnh nguy hiểm
Theo TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường thì viêm não và sốt xuất huyết là hai bệnh mùa hè nguy hiểm nhất. Sốt xuất huyết thường rải đều cả năm, đặc biệt vào mùa mưa nhưng không vì thế mà người dân chủ quan vì trong mùa hè nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
Riêng bệnh viêm não, để tránh nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, các bậc cha mẹ nên chú ý đưa trẻ em đi tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản. Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, các bậc cha mẹ cần thường xuyên giám sát các hoạt động của trẻ, đảm bảo vệ sinh, đủ nước cho trẻ, phòng chống muỗi đốt bằng cách thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy khu vực xung quanh nhà ở.
Tránh để dịch bệnh lây lan
Để phòng tránh bệnh chuyển mùa gia tăng, các bác sỹ khuyên cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ. Khi thấy trẻ bị sốt, nôn, trớ kèm theo đi ngoài cần phải đưa đến các cơ sở y tế khám. Đối với trẻ bị mắc các nhóm bệnh chuyển mùa như: ho gà, cúm, sởi, tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá, nhiễm lạnh. Trẻ bị bệnh tiêu hóa cần cho trẻ uống nhiều nước, không được để mất nước.
Bác sỹ Bùi Vũ Huy cũng khuyến cáo: “nhiều người vẫn cho rằng khi trẻ bị bệnh cần kiêng nước, gió nên hạn chế tắm rửa cho trẻ mà không biết rằng vệ sinh kém cũng là nguyên nhân gây dịch bệnh. Có thể cho trẻ tắm nước nóng, ở nơi kín gió. Biện pháp không để bệnh lây lan là giữ trẻ bị bệnh ở nhà chăm sóc”. Người lớn cũng không nên chủ quan, thấy người có biểu hiện cảm cúm nên được uống thuốc ngay. Môi trường sinh hoạt phải đảm bảo sạch sẽ, đặc biệt thoáng mát khi thời tiết nắng nóng, không để nước bẩn ứ đọng vì đây là điều kiện cho vi khuẩn, côn trùng gây bệnh phát triển.
( Theo QĐND )