Xã hội
   Thực phẩm có hại cho trẻ em - đừng tiếp thị!
 
 
Trong nhiều mặt hàng thực phẩm, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ em. Ảnh: MẠNH HƯNG
Với những hình ảnh sinh động, lời giới thiệu hấp dẫn, các hình thức quảng cáo, tiếp thị thực phẩm trên thị trường hiện nay được rất nhiều trẻ em yêu thích và sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng bổ dưỡng và sự an toàn của các loại thực phẩm đó đối với sức khỏe trẻ em như thế nào là việc rất khó kiểm soát. Song, nếu cứ để các em ăn tùy thích các sản phẩm được tiếp thị đó thì nguy cơ gây hại cho sức khỏe là chắc chắn... Do vậy, nhân Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới (15-3) năm nay, Tổ chức quốc tế người tiêu dùng (CI) kêu gọi mọi người hãy “đấu tranh ngăn chặn việc tiếp thị những thực phẩm có hại cho sức khỏe trẻ em”.

Bệnh béo phì ở trẻ em gia tăng

Trên thế giới hiện nay có ít nhất 22 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Còn ở nước ta, tỷ lệ béo phì ở cả người lớn và trẻ em cũng đang gia tăng đến mức báo động. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy 4,9% số trẻ từ 4-6 tuổi ở Hà Nội và khoảng 6% số trẻ dưới 5 tuổi và 22,7% trẻ đang học tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh bị thừa cân, béo phì.

Theo các chuyên gia y tế thì những trẻ em bị bệnh béo phì, lớn lên sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí có thể dễ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư... Một trong những nguyên nhân là do ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng chất béo, đường và muối cao cùng với tình trạng ít vận động thể lực. Ông Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, tình trạng béo phì gia tăng là do chế độ ăn uống không khoa học. Trẻ em đang có xu hướng bị “tẩm bổ” bởi những chế độ ăn uống quá thừa chất. Thật sai lầm khi không ít bậc cha mẹ cố “nhồi” con mình ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng. Ăn uống thừa chất đạm, cộng với thói quen lười luyện tập sẽ khiến cho trẻ em sớm có nguy cơ béo phì.

Thông thường trẻ thích ăn các loại đồ ăn đóng gói, có nhãn mác hơn là những loại thức ăn khác. Trẻ em cũng hay đòi những thức ăn đẹp mắt từ các chương trình quảng cáo trên truyền hình và có thể ăn uống dễ dàng hơn bình thường nếu trong bữa ăn có chương trình quảng cáo thực phẩm... Lý do đơn giản là các em dễ bị tác động bởi những quảng cáo vì thường quảng cáo hay liên hệ với lối sống hiện đại mà trẻ em thường hay khao khát. Trong khi đó, các loại thực phẩm được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, phần lớn là thực phẩm chế biến công nghiệp, hàm lượng đường, mỡ, muối cao. Chính vì thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng, việc quảng cáo những thực phẩm có hàm lượng chất béo, chất đường và muối cao làm cho trẻ thích ăn các đồ ăn đó cũng được coi là một nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì.

Cùng với tình trạng thừa cân béo phì trẻ em đang có chiều hướng gia tăng ở thành thị thì ở nông thôn, miền núi vẫn còn không ít trẻ bị suy dinh dưỡng do thiếu chất và chế độ ăn uống không hợp lý. Mặt khác, vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tình trạng sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng mà dư luận đang hết sức bức xúc... cũng là những yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ em và người tiêu dùng nói chung.

Lựa chọn thực phẩm và chế biến như thế nào cho phù hợp?

Ngăn chặn sự lan tràn của bệnh béo phì và các vấn đề khác là việc mà các cơ quan chức năng cần phải hành động ngay để bảo vệ sức khỏe ở trẻ em. Theo lời khuyên của bác sĩ Phạm Thanh Tuyên (Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ) thì nhiệm vụ của các bậc phụ huynh không chỉ là chăm cho con ăn đủ, ăn no mà phải ăn sao cho phù hợp với khoa học dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn để chủ động ngăn chặn tình trạng thừa, thiếu dinh dưỡng và rối loạn chuyển hóa.

Cần lựa chọn thực phẩm và thay đổi món ăn thường xuyên để tạo cho con em thói quen ăn uống lành mạnh và năng động ngay từ trong gia đình. Trong bữa ăn không nên tập trung vào một số loại thực phẩm vì dễ thừa một số chất dinh dưỡng này mà lại thiếu chất dinh dưỡng khác. Nên phối hợp nhiều loại thực phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng, đồng thời thường xuyên thay đổi món ăn để giúp ăn ngon miệng và bảo đảm bữa ăn cân đối. Bữa ăn hàng ngày cần phối hợp nhiều loại từ các nhóm thực phẩm (chất bột, đường, chất đạm, chất béo, nhiều vi-ta-min, muối khoáng). Để rèn luyện cho trẻ em thói quen lành mạnh về vận động và ăn uống, theo bác sĩ Tuyên thì nên ăn đều đặn các loại trái cây và rau quả, uống nhiều nước nhưng không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt hoặc nước xi-rô pha. Hạn chế cho trẻ xem các tiết mục quảng cáo không có ích.

Nhân Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới năm nay, Tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng khuyến cáo các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, đặc biệt là với người tiêu dùng nhỏ tuổi. Đồng thời ngăn chặn việc quảng cáo, tiếp thị những món ăn có hại cho trẻ em. Được biết, trước sức ép của người tiêu dùng và góp phần ngăn chặn bệnh béo phì ở trẻ em, vừa qua, một số doanh nghiệp đã cam kết tự giới hạn hoặc từ bỏ các chương trình quảng cáo thức ăn nhanh và nước uống với những đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi; trong đó có một số công ty như: Coca-Cola, Pep-si và Mác-đô-nan... Đó cũng là hành động cần thiết để góp phần bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Chúng tôi nghĩ rằng, để giữ gìn sức khỏe tốt cho con em mình cũng như các thành viên khác trong gia đình, người tiêu dùng biết phấn đấu để trở thành những “người tiêu dùng thông thái”. Trong đó, cần nâng cao kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, học hỏi kinh nghiệm trong việc lựa chọn thực phẩm, hoa quả... để lựa chọn loại bảo đảm vệ sinh, không hại cho sức khỏe, đồng thời, chế biến được những món ăn bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi.

( Theo Quân Đội Nhân Dân )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Dạy và sử dụng tiếng Anh sẽ thay đổi (17/3)
 Lớp học phát triển kỹ năng sống cho trẻ em (17/3)
 Từ 15-3 đến 15-4-2008, tiêm chủng văcxin sởi cho trẻ lớp 1 (14/3)
 Đội MBH vừa và đúng cách - “Vắc xin” phòng tránh TNGT cho trẻ em (14/3)
 Hong Kong đóng cửa trường mẫu giáo và tiểu học vì bệnh cúm (14/3)
 Xem tivi làm trẻ mất ngủ (14/3)
 Giáo viên Anh kêu gọi cấm bài tập về nhà (13/3)
 2/3 số trẻ em nghèo có bố, mẹ chưa học hết tiểu học (13/3)
 TP.HCM: Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng các cơ sở mầm non (13/3)
 Quảng Ngãi: Kết luận vụ GV tố cáo tiêu cực bị sỉ nhục bằng thư nặc danh (13/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i