Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 15 khu chế xuất và khu công nghiệp. Trong số 250.000 công nhân đang làm việc tại đây, số nữ công nhân ở độ tuổi sinh đẻ chiếm hơn 60%. Theo nhu cầu gửi con của công nhân, hàng loạt cơ sở mầm non tư thục không đảm bảo chất lượng đã mọc lên, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Khu nhà trọ trên đường Tô Ngọc Vân, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức sáng chủ nhật rộn rã tiếng cười đùa của những đứa trẻ. Ở một khu nhà trọ có 15 phòng thì có đến 9 hộ gia đình công nhân làm việc lại khu chế xuất Linh Trung II. Câu chuyện của những bà mẹ trẻ ngày chủ nhật trở nên sôi nổi hơn khi bàn đến chuyện chọn trường gửi con. Chị Trần Thị Thuý làm công nhân da giày cho công ty Freetrend với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, chị đều trích lương 400.000 đồng gửi cậu con trai ba tuổi vào nhà trẻ.
Chị Thuý tâm sự: “Trường chật mà người ta gửi nhiều, hầu hết phụ huynh gửi con ở một trường chỗ đó. Mình đi làm cả ngày, phải gửi con để kiếm tiền trang trải cuộc sống thường ngày, chứ không có ai trông”.
Năm học này, toàn thành phố có 612 trường mầm non, 765 nhóm lớp mầm non tư thục cho phép, tăng 30 trường so với năm học trước, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu giữ trẻ trong nhân dân, đặc biệt là công nhân lao động. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở các quận Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, quận 9 và quận 12… các trường mầm non công lập luôn trong tình trạng quá tải. Thậm chí nhiều nơi như quận Bình Tân, cả ba phường Bình Hưng Hoà, Bình Hưng Hoà A, Bình Hưng Hoà B chỉ có một trường mầm non công lập Phong Lan với 11 lớp, nuôi dạy hơn 400 trẻ. Tình trạng thiếu trường công lập khiến cho khoảng 60% số trẻ đang phải theo học ở các cơ sở mầm non tư thục. Phần lớn các cơ sở này chỉ đảm bảo một số điều kiện nuôi dạy trẻ ở mức độ tối thiểu; nhiều cơ sở thu học phí thấp, phòng ốc chật chội, bữa ăn nghèo nàn, giáo viên không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm, sinh lý của trẻ.
Có một thực tế là nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp khu khi lập dự án đều có quy hoạch đất cho giáo dục để nhanh chóng được phê duyệt, nhưng sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận lại cố tình chậm trễ, hoặc hoãn việc xây trường cho trẻ. Khu Công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân đã đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng trường mầm non cho con em công nhân. Tuy nhiên, trường mẫu giáo này chỉ có 3 phòng học và đang quá tải với hơn 150 trẻ.
Ông Nguyễn Tùng, Phó Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nói: “Công đoàn ủng hộ việc mở nhà trẻ trong khu vực. Công đoàn vẫn quan tâm và đặt ra hàng đầu khi kiến nghị với cơ quan chức năng trong ưu tiên cho doanh nghiệp trong việc xây dựng lưu trú ưu đãi về đất đai, hay thuế. Một số đơn vị cũng đã làm được như Công ty Tiện Lợi ở Bình Chiểu mướn nhà dân để công nhân gửi con ở đó. Tuy nhiên, ít doanh nghiệp làm được như vậy”.
Trước tình hình như vừa nêu, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp với các sở, ban ngành liên quan để giải quyết tình trạng thiếu trường mầm non ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Theo đó, thành phố sẽ triển khai xây dựng thêm 36 trường mầm non trong năm nay. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cùng UBND 24 quận, huyện sẽ làm việc với các khu chế xuất, khu công nghiệp để xây dựng thêm trường mẫu giáo, nhà trẻ cho con em công nhân.
Về các biện pháp trước mắt, bà Lê Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ, nhờ các cơ sở công lập giúp các nhóm trẻ tư thục giải quyết những khó khăn trước mắt. Chúng tôi cũng tăng cường giám sát kiểm tra với các địa phương, lực lượng đoàn thể phường xã giúp đỡ các nhóm trẻ tư thục có điều kiện hoạt động tốt hơn. Nơi nào không đạt yêu cầu tối thiểu sẽ kiên quyết đóng cửa. Chính quyền lãnh đạo các cấp xây dựng cho nhanh chóng, thủ tục đơn giản bớt để công trình nhanh chóng được hoàn thành”.
Theo quy hoạch phát triển của UBND thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, sẽ có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp đi vào hoạt động. Quá trình hình thành các khu công nghiệp sẽ thu hút số lượng lớn lao động tại chỗ và các tỉnh đến làm việc. Do đó, bên cạnh việc đào tạo, nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm thường xuyên để nâng cao thu nhập cho công nhân, chính quyền thành phố và các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phồ cần quan tâm, tạo điều kiện cho công nhân có nơi ăn, chốn ở ổn định; con cái của họ có nơi học tập, nuôi dưỡng, chăm sóc đàng hoàng. Có như vậy, lực lượng công nhân mới yên tâm sản
( Theo VOV )