|
Trẻ em luôn cần có chế độ dinh dưỡng tốt nhất để phát triển toàn diện. Ảnh: P.Thanh |
Dù đã dự đoán được sự gia tăng của giá cả thị trường những ngày giáp và sau Tết, nhiều trường mầm non và tiểu học, THCS có tổ chức bếp ăn bán trú đã tăng tiền ăn, song vẫn không theo kịp thực tế. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài hơn một tháng qua đã có tác động không nhỏ tới giá cả thực phẩm. Việc lo cho bữa ăn HS sao cho đủ no, đủ chất trở thành vấn đề khá nan giải ở các trường.
Cuối học kỳ I năm học 2007-2008, trường Mầm non Hoa Sữa, quận Long Biên đã phải tăng tiền ăn của trẻ từ 6.500 lên 7000 đồng/ngày/trẻ, nhằm bảo đảm đủ định lượng calo cho trẻ theo đúng quy định. Tuy nhiên, trước tình hình giá cả tăng quá nhanh, dù đã cố gắng xoay xở, nhưng hàm lượng calo mới chỉ đạt khoảng 68%- 70% so với mức 85% đã đạt trước đó. Theo bảng báo giá mới áp dụng từ ngày 18-2 của công ty cung ứng thực phẩm, tất cả mặt hàng đều tăng mạnh: thịt bò từ 82 nghìn lên 92 nghìn, thịt lợn từ 57 nghìn lên 62 nghìn, cá từ 48 nghìn lên 58 nghìn; các loại rau xanh tăng nhẹ hơn, khoảng từ 500 đến 800 đồng/kg, tăng nhiều nhất là rau cải từ 4.500 đồng lên 5.500 đồng/kg. Nhà trường dự kiến sẽ tăng thêm tiền ăn 1.000 đồng/trẻ/ngày, song sẽ phải chờ khi thời tiết ấm hơn, trẻ đi học đủ để thỏa thuận với phụ huynh.
Cùng tình trạng với trường Mầm non Hoa Sữa, khá nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố, ngay trong tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tý đã phải đối mặt với sự gia tăng đến chóng mặt của giá cả thực phẩm. Chưa thể tăng ngay tiền ăn, các trường đều phải “liệu cơm gắp mắm”, xoay xở để bảo đảm đủ chất dinh dưỡng cho HS. Món ăn được chế biến từ thịt bò được giảm đi, thay bằng cá, đậu phụ, lạc. Các món ăn từ củ, quả được sử dụng nhiều hơn trong điều kiện rau xanh quá đắt
Tương tự, gần một tháng nay, nhiều trường đặt cơm hộp cho HS như THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa)... cũng đã phải tăng tiền ăn lên so với trước 1.000 - 2.000 đồng/ngày (gồm hai bữa chính và bữa phụ), hoặc có nơi, nhà trường và công ty cung ứng thực phẩm cùng bàn bạc, cố gắng xoay xở, xây dựng thực đơn phù hợp trong điều kiện giá cả tăng cao.
Không chỉ đối mặt với giá cả leo thang, trong những ngày trời rét, nhiều trường còn phải khá vất vả để điều chỉnh số lượng thực phẩm cần cung ứng mỗi ngày để bảo đảm đáp ứng đủ cho HS, để không bị “âm”. Nếu như trước kia, việc báo thực phẩm chỉ cần thực hiện thành 2 đợt, thì nay có trường mầm non phải làm tới 3-4 đợt, vì số trẻ đi học muộn nhiều, có khi tới gần trưa vẫn có trẻ tới lớp. Việc ký hợp đồng với công ty cung ứng thực phẩm thứ hai nhằm bổ sung lượng thực phẩm trong ngày khi HS đến muộn của nhiều trường đã phát huy tác dụng. Trời càng rét, mối lo của các trường về tình hình sức khỏe HS càng tăng, trong đó có việc điều chỉnh hàm lượng các chất dinh dưỡng, đặc biệt là tăng cường can xi, mỡ động vật. Số lượt thanh tra về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện ở các trường tăng gấp 2- 3 lần so với trước.
Gia đình chung tay gánh vác, chú ý chăm sóc, tăng cường bồi dưỡng cho con em mình chu đáo hơn, đó là mong muốn của các nhà trường trong lúc này nhằm giúp các em bảo đảm sức khỏe để học tập tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
( Theo Hà Nội Mới )