Xã hội
   Xây trường mầm non ở các KCX-KCN: Công nhân muốn, doanh nghiệp không
 

Theo khảo sát mới nhất của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, đại đa số công nhân ở các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP còn rất trẻ. Trong đó 18,4% đã lập gia đình, phần còn lại 81,6% vẫn đang sống độc thân. Nhu cầu gửi trẻ ở khu vực này ngày càng cao nhưng trường lớp lại quá thiếu, hầu hết phải gửi ở nhóm trẻ gia đình, đầy bất an và nguy cơ ảnh hướng đến sự phát triển của trẻ. Họ đều mong ước có một ngôi trường cho con…

Mỗi ngày con đi nhà trẻ là một ngày lo


 
Giáo viên Trường Mầm non Tuổi Ngọc (quận 8) hướng dẫn các bé xem truyện tranh. Những trường như thế này là niềm mơ ước của các công nhân KCX-KCN. Ảnh: MAI HẢI
Vừa thấy người nhà đến đón, cậu bé Bảo khóc ngon lành. Chị Loan, dì bé Bảo, công nhân làm nghề đan mây đến rước cháu tại nhà trẻ tư thục nằm ngay trong KCN Lê Minh Xuân cho biết, cháu bị suy dinh dưỡng, gia đình cũng muốn gửi cháu vào trường công, nhưng học phí mắc quá nên đành chọn trường tư thục gửi cháu với 350.000 đồng/tháng.

Học phí rẻ thì con em không được chăm sóc tốt, trường có 3 cô giáo mà đến mấy chục trẻ, lo sao xuể. Chị Võ Thị Hồng Hiệp, công nhân thợ ủi quần áo của Công ty Lawnyard VN, cho biết: “Hai vợ chồng làm cùng công ty, thu nhập hàng tháng khoảng 2 triệu rưỡi nên không đủ khả năng để gửi con gái hơn 5 tháng tuổi đi nhà trẻ. Tụi tôi đành chọn cách đưa bà nội từ quê lên để trông cháu. Nhà trọ chật chội, chi tiêu eo hẹp cũng đành buộc bụng sống tạm để nuôi con. Phải chi KCN có nhà trẻ giữ con em của công nhân lao động với giá rẻ thì đỡ vất vả biết mấy”.

Không lo lắng nhiều về tiền trường như chị Hiệp, có thu nhập khá hơn, chị Trương Thị Thủy, công nhân may cùng công ty, lại lo lắng đến sự an toàn của đứa con trai đầu lòng khi gửi nhóm trẻ gia đình: “Nghe báo đài lên tiếng nhiều về những “ác mẫu” tại các trường mầm non tư thục, nhà trẻ tư nhân nên vợ chồng không an tâm khi gửi con. Chúng tôi gửi cháu về sống với bà nội ở tận Trà Vinh. Mỗi tháng 2 vợ chồng tằn tiện gửi về quê 1,5 triệu để nội nuôi cháu. Biết con xa mẹ là thiệt thòi nhưng bà nội chăm cháu chu đáo, an tâm hơn là giao con cho bảo mẫu chăm nom. Nhiều lúc nhớ con đến phát khóc nhưng cũng đành chịu…”.

Đáng thương hơn, đứa con trai của chị Bé Ba, công nhân Công ty Boncheng, KCN Tân Tạo không có đủ điều kiện được chăm sóc đủ đầy như con của chị Thủy. Đứa bé vừa tròn tháng đã được mẹ gửi lại bà ngoại ở Vĩnh Long chăm sóc. Hai vợ chồng làm công nhân tại KCN Tân Tạo với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Lương thấp nên tiền gửi về nuôi con cũng không nhiều, thành ra đứa con cứ bị suy dinh dưỡng hoài.

Chọn trường gửi con để yên tâm đi làm là vấn đề nan giải với công nhân tại các KCN, KCX. Nếu chọn trường công thì xa nhà và học phí cao. Ngược lại chọn những trường có giá vừa phải thì cứ phải nom nớp lo sợ cho sự an toàn của con mình. Nói về vấn đề này, Ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Lawnyard, KCN Lê Minh Xuân, cho biết: công ty có 653 công nhân viên, trong đó 81 người có con nhỏ từ 1-6 tuổi, 10 người có 2 con và 1 người có 3 con. Đối với đối tượng này, công ty hỗ trợ 50.000 đồng/cháu/tháng.

Khi được hỏi về kế hoạch xây dựng nhà giữ trẻ cho con em công nhân viên của công ty, ông khẳng định công ty không có chính sách và vốn cho vấn đề này. Tuy công ty có hỗ trợ cho công nhân nuôi con nhỏ nhưng số tiền 50.000 đồng/tháng là không thấm vào đâu.

Có quy định nhưng không thực hiện
Hiện TPHCM có 12 KCN và 3 KCX với tổng diện tích 2.354ha và 250.000 công nhân trong tổng số trên 1 triệu công nhân lao động của toàn TP.

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, TPHCM sẽ có 23 KCX-KCN với tổng diện tích khoảng 6.500 ha.

Theo bà Mai Thị Bích Vân, Trưởng ban Nữ công LĐLĐ TPHCM, tại khoản 2, điều 116 Bộ luật Lao động có quy định: “Ở những nơi có sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo”.

Tại thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 23/CP của Chính phủ về những quy định riêng đối với lao động nữ cũng có nêu rõ những căn cứ để xét giảm thuế cho doanh nghiệp (DN) và một trong những yếu tố đó là DN có thuê giáo viên để mở nhà trẻ, mẫu giáo; mua trang thiết bị đồ dùng cho nhà trẻ, mẫu giáo. Điều đó có nghĩa là pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc hỗ trợ lao động nữ chăm sóc con cái trong tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Thế nhưng từ trước đến nay, hầu như những quy định này không được đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh. Ngay cả trong Nghị định số 113/2004 NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động cũng không có điều khoản nào quy định việc xử phạt DN không tổ chức nhà giữ trẻ hoặc không hỗ trợ chi phí cho người lao động có con ở lứa tuổi này.

Phải chăng, đây cũng chính là những kẽ hở không thể ràng buộc được DN phải xây trường mẫu giáo, nhà trẻ trong các KCX, KCN từ trước đến nay? Và việc xây dựng trường trong khu vực này đang là vấn đề quá xa lạ đối với nhiều DN.

Mỗi KCX-KCN nên có một nhà trẻ

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, bà Mai Thị Bích Vân cho rằng, TP cần hỗ trợ xây nhà trẻ, mẫu giáo trong những khu dân cư tập trung nhiều công nhân lao động, đặc biệt là lao động nữ ở độ tuổi sinh sản. Đối với các KCX-KCN, TP cần có quỹ đất để xây một nhà giữ trẻ có quy mô đủ để phục vụ nhu cầu giữ trẻ cho CN của toàn KCX-KCN đó.

Bà Mai Thị Bích Vân bức xúc: Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần về vấn đề nhà trẻ cho con CN nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì. Nhu cầu gửi con trong CN rất lớn nhưng nhà trẻ công không đủ chỗ, rất nhiều CN đành chọn giải pháp gửi ở các nhóm trẻ gia đình hoặc gửi con về quê. Tiền gửi một đứa trẻ từ 600.000 đến 700.000 đồng/tháng, nếu gửi vào giờ tăng ca, thứ bảy... tốn đến cả triệu đồng, bằng cả một tháng lương CN dệt may. CN đã khó khăn càng khó khăn hơn vì mất đi một nguồn thu nhập, ảnh hưởng đến gia đình, cuộc sống của họ. Theo tôi, mỗi KCX-KCN nên có một nhà trẻ, giá cả tương đối để CN có thể an tâm làm việc.

Xây dựng KCX - KCN: Phải có quỹ đất để xây trường mầm non

Sau khi Báo SGGP ngày 20-2 đăng bài “Xây dựng trường mầm non ở các khu chế xuất-khu công nghiệp: Công nhân muốn, doanh nghiệp không”. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Sắp tới, khi thành phố phê duyệt những dự án xây dựng KCX, KCN sẽ có những quy định cụ thể về việc dành quỹ đất để xây dựng trường học mới được cấp phép. Những khu đất này đặt trong mạng lưới xây dựng trường lớp của thành phố.

Đối với những KCX, KCN đã thành lập, thành phố sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp về việc xây trường học. Tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng ủng hộ nếu thành phố có những quy định, chính sách ưu tiên rõ ràng trên cơ sở nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Mục đích cuối cùng vẫn là tạo điều kiện cho các cháu ở lứa tuổi mầm non được học trong điều kiện tốt, công nhân yên tâm làm việc”.

Về phía ngành giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: Chỉ cần doanh nghiệp dành quỹ đất xây trường, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh phí xây trường thì giao đất cho ngành giáo dục hoặc địa phương để ngành giáo dục hoặc địa phương vay vốn kích cầu của thành phố để xây trường.

Trường được xây dựng từ nguồn này sẽ mãi mãi thuộc về các cháu, học phí phụ huynh cần đóng để trả nợ ở những trường này chỉ ở mức 100-150 ngàn đồng/tháng, phù hợp với điều kiện của công nhân, rẻ hơn nhiều so với trường tư, chất lượng tốt hơn nhiều so với nhóm trẻ gia đình. Ngành giáo dục sẽ sẵn sàng hỗ trợ nguồn giáo viên, chuyên môn và quản lý.
Thực tế hiện nay cũng đã có một số đơn vị đã xây trường mầm non khá tốt như: KCN Tân Tạo, Công ty Phát triển nhà quận Bình Tân, Phú Nhuận… Tuy nhiên, quỹ đất xây trường phải phù hợp với số lượng con em công nhân của KCX-KCN

( Theo SGGP )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Báo động dịch sốt xuất huyết trái mùa ở TP HCM (20/2)
 Nhiều trẻ tử vong do virút Rino (20/2)
 Quảng Nam: Dạy học sinh bơi để bảo toàn tính mạng trong lũ (20/2)
 Chủ tịch UBATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng thăm và tặng mũ bảo hiểm cho các cháu mầm non tại Đắk Nông (20/2)
 Bữa ăn bán trú chóng mặt với "bão" giá (19/2)
 Đồ Rê Mí 2008 có gì mới? (19/2)
 Hà Tĩnh: Hàng loạt trường mầm non đóng cửa vì… rét! (19/2)
 Cứu sống hai cháu bé hóc hạt dưa (19/2)
 TP HCM có trung tâm khám mắt trẻ sơ sinh đầu tiên (18/2)
 Khánh thành trường Quốc tế Wizisland Vietnam dành cho trẻ em (18/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i