Dinh dưỡng
   Thừa ăn vẫn suy dinh dưỡng
 
Trẻ phải hứng thú với ăn uống thì mới lên cân tốt. Ảnh: Hoàng Hà.
"Bác sĩ ơi, tôi mua đủ loại thức ăn, thuốc bổ đắt tiền cho cháu, chả hiểu sao nó vẫn còi?" - chị Thu (27 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) thắc mắc với bác sĩ dinh dưỡng. Con chị 2 tuổi mà chỉ nặng 9 kg.

Nhà chị Thu thuộc diện giàu có với ngôi biệt thự khuôn viên rất rộng kèm bể bơi, nhà nuôi đến mấy người giúp việc. Nhưng cả mẹ, bà nội lẫn người giúp việc xúm vào cũng không thể giúp bé Phong lên cân. Ngoài đồ ăn, chị Thu còn mua cho con đủ loại men tiêu hóa, thuốc kích thích ăn uống, thậm chí cả loại thực phẩm chức năng giá cả triệu đồng/hộp.

Bế con đi tư vấn, Thu mới vỡ lẽ là con chị suy dinh dưỡng cũng chỉ vì quá... thừa ăn. Chị vẫn tự hào rằng nhà mình có điều kiện để hằng ngày mua cho con nào gà, chim bồ câu, nào tim cật, tôm cua... mà không biết rằng bé Phong được cho ăn quá nhiều chất đạm. Muốn "thổi" con cho nhanh, từ hồi bé Phong ăn dặm, ngày nào Thu cũng cho ăn trứng, kèm theo vài lạng thực phẩm giàu protein khác.

Hệ tiêu hóa còn non của bé phải huy động men để xử lý khối thức ăn khổng lồ này, dần dần suy kiệt, khiến bé hay đi ngoài phân sống, chậm lên cân. Sau khi nhận ra sai lầm, Thu thay đổi thực đơn theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng bé Phong vẫn chưa đuổi kịp đà tăng trưởng bình thường.

Còn chị Thúy (Hà Đông, Hà Tây) thì thắc mắc là tại sao con gái 2 tuổi rưỡi của mình ăn nhiều, dùng toàn loại sữa 300.000 đồng/hộp mà vẫn nhẹ cân. Sau khi đi tư vấn, bác sĩ hỏi ra mới biết chị cho con ăn theo chế độ "nuôi hoa hậu", nghĩa là rất nhiều rau quả và ít thực phẩm sinh năng lượng. "Tôi tưởng cơm cháo, thịt cá như thế là đủ, quan trọng là ăn nhiều trái cây để có vitamin?" - Thúy ngơ ngác.

Trường hợp con nhà giàu bị còi cọc như trên rất phổ biến. Bác sĩ Lê Thị Hải, Trưởng phòng khám và tư vấn Viện Dinh Dưỡng, cho biết trẻ được đưa đến đây phần lớn thuộc các gia đình đủ điều kiện kinh tế để nuôi con đầy đủ, trong đó không ít người khá giả, giàu có.

Mặc dù kinh tế đang phát triển nhanh nhưng ở Việt Nam, cứ 4 trẻ lại có 1 bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, cứ 3 trẻ là có 1 bị thấp còi. Ở các thành phố lớn, tình trạng trẻ còi cọc vẫn rất phổ biến. "Đó là do tuy không thiếu ăn nhưng cha mẹ vẫn chưa biết cách cho ăn" - bác sĩ Hải nói.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nhận xét: Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tăng trưởng của trẻ dưới 6 tháng tuổi ở Việt Nam không kém gì các nước trong khu vực, nhưng sau khi ăn dặm thì lại tụt hậu. Việc nuôi dưỡng không đúng cách khiến trẻ biếng ăn hoặc thiếu hụt các chất cần cho sự phát triển như sắt, canxi, các vitamin và khoáng chất khác.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi nuôi con nhỏ, phụ huynh thường mắc một số sai lầm sau:

Cho ăn quá nhiều thức ăn bổ dưỡng: Việc sử dụng quá nhiều thức ăn giàu đạm sẽ khiến đường ruột mất dần các men tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy, kém ăn, kém hấp thu. Tốt nhất là bạn xác định lượng thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng quy định cho từng lứa tuổi.

Mua nhiều đồ ăn nhưng chỉ ninh lấy nước: Nhiều gia đình mỗi ngày mua một con chim câu, hay nửa con gà, gần 1 kg sườn... về cho con ăn, nhưng lại chỉ ninh lấy nước nấu cháo mà không cho ăn cái. Họ cho rằng khi ninh, mọi chất bổ sẽ ra nước nhưng thực tế, các chất đạm, canxi... được chiết ra rất ít. "Khôn ăn cái, dại ăn nước", bạn nên băm nhỏ thịt, rau củ cho con.

Không cho bé ăn chất béo: Sợ con khó tiêu, đi ngoài, nhiều nhà không cho trẻ ăn dầu mỡ. Trong khi đó, trẻ con cần tỷ lệ chất béo cao hơn người lớn, nếu không đủ sẽ kém phát triển. Dầu mỡ cũng là dung môi hòa tan nhiều loại vitamin quan trọng như A, D, E, K...

Cho ăn ít năng lượng, nhiều rau quả: Không ít phụ huynh ở thành phố hiện nay lại cho rằng quan trọng nhất là các vitamin, chất khoáng nên họ khuyến khích con ăn rau quả, sữa chua mà bỏ quên các thức ăn sinh năng lượng như thịt cá, cơm cháo, dầu mỡ. Thực ra, trẻ cần được cung cấp cân đối 5 nhóm thực phẩm: đạm, bột đường, chất béo, khoáng, vitamin.

Ép trẻ ăn những món không hợp khẩu vị: Nhiều phụ huynh cho con ăn theo khẩu vị của bản thân, hoặc chỉ chọn những món giàu dinh dưỡng mà không quan tâm đến việc trẻ thích hay không. Nhiều bà mẹ ít thay đổi món khiến trẻ chán. Việc bị ép dần khiến trẻ biếng ăn.

Lạm dụng các thuốc bổ, men tiêu hóa: Men tiêu hóa được bác sĩ cho dùng trong từng giai đoạn cần thiết. Nếu dùng quá thường xuyên, cơ thể sẽ "ỷ lại", không tự sản xuất men nữa, trẻ sẽ lệ thuộc vào dược phẩm mà vẫn không khỏi biếng ăn, còi cọc. Các thuốc bổ (thường chứa nhiều loại vitamin và khoáng) cũng không giúp được trẻ nếu cha mẹ không tạo ra các yếu tố khiến bé thích thú với việc ăn uống (chẳng hạn đổi món, thay bát đĩa đẹp...).

Cho ăn dặm quá sớm: Với lý do tập ăn ngoài sớm cho cứng cáp, nhiều nhà cho trẻ ăn dặm từ khi mới 3-4 tháng tuổi. Bộ máy tiêu hóa của bé lúc này chưa đủ sức để xử lý các thức ăn khác với sữa mẹ nên bị quá tải, suy tổn. Bé sẽ biếng ăn và chậm lớn. Việc cho ăn dặm muộn (quá 6 tháng) cũng có hại vì lúc này sữa mẹ không còn cung cấp đủ chất cho nhu cầu của bé.

( Theo VnExpress )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cháo trai cho bé (19/2)
 Bữa sáng cho bé - Bún mọc (18/2)
 Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ (13/2)
 Thịt bò lúc lắc (12/2)
 Bánh kếp (12/2)
 Trời lạnh nên ăn xôi thịt gà (11/2)
 Vì sao trẻ ăn ngậm? (31/1)
 5 yếu tố giúp đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho trẻ (31/1)
 Sườn non rim (31/1)
 Sữa và vi chất cho bé (31/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i