Việc nuôi dạy trẻ lứa tuổi mầm non hiện rất căng thẳng do lượng trẻ đến tuổi đi học ngày một nhiều mà trường lớp công lập lại hạn chế. Hiện có gần 6 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non nhưng mới chỉ có hơn 3 triệu cháu được tới trường, chính vì thế các điểm trông giữ trẻ tư nhân mọc lên ngày càng nhiều.
Giờ chơi của trẻ ở Trường mầm non Bán công 20-10 Quận 1 - Tp HCM
2 nguyên nhân yếu kém
Nhu cầu và áp lực xã hội rất lớn, trong khi điều kiện không thể đáp ứng nổi. Phải thừa nhận rằng giáo viên mầm non không những yếu về chất lượng mà còn thiếu về số lượng. Hiện mới có 80% giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn từ trung cấp mầm non trở lên. Số giáo viên được đào tạo hiện nay mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu.
Còn nhiều nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng mà báo chí đã nêu trong thời gian qua. Thứ nhất, một số địa phương còn dễ dãi cấp phép hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chưa đủ điều kiện. Thứ hai, khâu tuyển dụng giáo viên không đúng với quy định của ngành. Họ tuyển cả những giáo viên chưa được đào tạo nghiệp vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Điều này dẫn đến hệ quả là các cô chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả của những hành vi gây ra với trẻ. Phần lớn trường hợp giáo viên có hành xử phản giáo dục đều là những người thiếu hoặc yếu chuyên môn. Tất nhiên, vẫn có người có chuyên môn sư phạm, nhưng vẫn hành động thiếu kiểm soát với trẻ trong thời điểm nhất định. Có những cô giáo bị áp lực vì phải chăm sóc những trẻ quá hiếu động, quá biếng ăn hoặc ở gia đình được nuông chiều quá nên không hòa mình vào lớp, do đó các cô đã áp dụng những biện pháp phạt tâm lý với trẻ cá biệt. Tôi cho rằng những trường hợp này giáo viên phải tự rèn luyện bản lĩnh tâm lý, hạn chế khoảnh khắc mất tự chủ. Khi đã xác định vào nghề giáo thì chữ tâm phải đặt lên hàng đầu. Có lẽ do kinh nghiệm sư phạm và bản lĩnh tâm lý của một số bảo mẫu, giáo viên quá yếu nên mới có những hành động để lại hậu quả đau lòng như báo chí nêu trong thời gian qua.
Lo phổ cập, quên mầm non
Còn một vấn đề nữa cũng cần nhắc đến. Đó là mặc dù nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng mầm non lại là bậc học không bắt buộc. Ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng lên nhưng đầu tư cho mầm non thì lại giảm xuống. Thực tế là mỗi khi tính toán phân phối ngân sách cho giáo dục, lãnh đạo địa phương thường ưu tiên đầu tư cho bậc phổ cập để bảo đảm các mục tiêu đặt ra. Chúng tôi đã đấu tranh nhiều, nhưng kinh phí luôn là vấn đề rất khó khăn và chắc là nếu có tháo gỡ thì cũng phải dần dần. Vấn đề này cần sự quyết tâm của Chính phủ cũng như sự đồng tình của những người trong ngành. Chính phủ ra nghị quyết về xã hội hóa giáo dục với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình trường lớp, thế nhưng thực tế là các trường tư thục chỉ phát triển ở những nơi kinh tế xã hội phát triển, còn ở các vùng khó khăn, trường tư thục không sống được. Phần lớn người dân không đáp ứng được mức học phí của các trường tư, dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào những vùng mức sống còn thấp. Chính vì thế người dân nghèo thường chọn phương án gửi con vào các nhóm trẻ gia đình.
Tìm hiểu kỹ trước khi gửi con
Để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng bạo hành học sinh đáng buồn này, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra các cơ sở mầm non, tư cách giáo viên, cần phải tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh. Nhà trường phải lắng nghe ý kiến góp ý của phụ huynh để điều chỉnh kịp thời những việc làm chưa đúng của giáo viên. Phụ huynh nên xác định trường mầm non không chỉ phục vụ trẻ mà còn là nơi dạy dỗ cho các cháu kỹ năng sống. Với những nhóm trẻ gia đình, phụ huynh cũng nên tìm hiểu thật kỹ trước khi gửi con.
Ngô Thị Hợp (Vụ phó Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT)