Trong lá thư trước tôi đã trình bày những môn học, trường lớp, và thầy cô giáo của lứa tuổi măng non đi nhà trẻ (mẫu giáo). Hôm nay tôi tiếp tục tâm tình với bạn về những khó khăn mà các bậc làm cha mẹ người Việt hiện đang sống tại Mỹ gặp phải khi con đến tuổi đi học.
Giúp con học. Ảnh: T.L
Có thể bạn và quý độc giả thân thương của Báo Giáo Dục TP.HCM đã biết ở Mỹ có sự phân chia “giai cấp” ưu tiên như thế này. Thứ nhất trẻ con, thứ hai phụ nữ, thứ ba thú nuôi trong nhà (chó, mèo)… và đàn ông đứng hạng 5.
Nói như thế để bạn có thể hiểu rằng con nít tại Mỹ được coi là ưu tiên hàng đầu. Một đứa trẻ sinh ra tại Mỹ đã là công dân Mỹ dù cha mẹ của đứa bé là di dân lậu, nhập cảnh trái phép…
Là một công dân tại Mỹ, đến tuổi đi học, hoặc đi nhà trẻ (cho đến khi chúng lên 18 tuổi) chúng được đối xử đăc biệt, ăn uống tại trường không tốn tiền (ngoại trừ cha mẹ của chúng giàu có), về y tế, được chăm sóc miễn phí (chúng được chăm sóc từ khi người mẹ mới mang thai)… Con nít ở Mỹ có nhiều chương trình truyền hình dành riêng cho chúng vào sáng sớm và buổi chiều sau giờ học. Các lớp học đều được trang bị đầy đủ mọi dụng cụ học tập.
Khi đến trường học, về mặt tâm lý, phần lớn các học sinh mẫu giáo rất tin tưởng các thầy cô giáo. Lắm lúc chúng nghe lời cô giáo còn hơn cả cha mẹ, và như thế là có chuyện… Người Việt ta có câu “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Nhưng nền giáo dục tại Mỹ lại chú trọng vào sự phát triển cá nhân, tạo môi trường cho học sinh có suy nghĩ độc lập… Đôi khi tại các gia đình Việt Nam các bậc cha mẹ đau đầu vì con cái ở lứa tuổi mẫu giáo thường phản bác lại những lập luận của cha mẹ khi cha mẹ chúng coi chúng là “con nít mà biết cái gì” hay nạt nộ khi con trẻ hỏi, hoặc có những giải thích theo kiểu “cho xong chuyện”. Con nít sẽ trả treo “Ba má nói như thế là sai rồi… thầy cô giáo của con đâu có nói như vậy”. Hoặc “Thầy cô của con bảo như thế này mới đúng nè!” hoặc có những lập luận khác hơn ý kiến của cha mẹ. Như thế là nổ ra nhiều sự việc đáng tiếc mà theo luật pháp Mỹ là “abuse” (hành hạ) trẻ con. Đôi khi con nít cũng biết dùng số 911 (là số kêu cứu khẩn cấp - đi thẳng đến văn phòng của cảnh sát) làm cha mẹ chúng nhức đầu.
Học sinh lứa tuổi mẫu giáo ở Mỹ lần đầu tiếp xúc với xã hội bên ngoài cho nên chúng cần được sự quan tâm đặc biệt để phát triển. Người Việt ta những năm đầu đến Mỹ đã phải “mệt cầm canh” khi con trẻ có những phản ứng khác lạ, và những người lớn tuổi rất khó chịu khi con trẻ thấy “mất dạy” “trả treo” không giống khi họ còn sống tại quê nhà.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh rất chú trọng đến các buổi họp và tiếp xúc thường xuyên với nhà trường để biết những gì hoạt động tại trường từ chương trình, đến các thông tin khác hầu giúp cho trẻ mau chóng tiếp thu cái mới. Từ đó, ở nhà tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình có cách giáo huấn các em giữ được truyền thống Việt Nam.
Măng non dễ uốn. Giáo dục thì ở đâu cũng thế. Mối quan hệ giữa học đường và gia đình, cần phải được cân đối, tạo môi trường tốt cho những mầm non mọc thẳng; vì tuổi trẻ là người chủ tương lai của xã hội mai sau.
Lệ Thanh (California)
( Theo Báo Giáo Dục )