|
Cháo dinh dưỡng ăn liền bán ở siêu thị. Ảnh: H. THÚY |
Thức ăn công nghiệp tuy không có hại theo kiểu gây ngộ độc nhưng nếu dùng thường xuyên sẽ làm mất cân bằng dinh dưỡng, không có lợi cho phát triển thể chất bình thường ở trẻ em
Đếm qua một lượt, trên thị trường hiện có khoảng vài chục loại thức ăn liền. Nếu trước đây chỉ có mì gói, cháo, phở ăn liền, đồ hộp thì hiện nay, thức ăn chế biến sẵn đóng gói rất đa dạng, nội ngoại nhập có đủ. Nhiều bà mẹ trẻ lạm dụng những món ăn này làm thức ăn chính cho con mà không biết rằng đang cho con ăn không đủ chất.
Đủ món ăn chơi
Đi cùng tôi đến một siêu thị ở quận 3, chị N. T. T. Vân, nhà ở quận 11, tới ngay quầy gia vị lấy 5 bịch chè ăn liền cho vào xe đẩy và rủ: “Em cũng mua đi, về đổ nước sôi vô nấu 5 - 10 phút là ăn được rồi. Con bé Vân Anh nhà chị mê mấy món này lắm, lần nào biết mẹ đi siêu thị cũng dặn mua”. Nhìn lên kệ hàng, tôi thấy “danh mục” chè ăn liền có đủ loại: chè đậu xanh ăn liền, chè bắp ăn liền, sâm bổ lượng ăn liền, chè Thái khoai môn ăn liền, chè Thái thập cẩm ăn liền... giá chỉ 2.100 đồng - 2.800 đồng/gói (hàng nội địa) và 15.400 đồng - 19.600 đồng/bịch (hàng nhập). Bận rộn quản lý hai siêu thị tự chọn, ngày nào chị T. Minh cũng cho hai đứa con ăn sáng bằng thức ăn ngũ cốc và các món cà ri, ragu... đóng gói. “Mấy món đó bây giờ nhiều lắm. Chỉ bánh ngũ cốc không đã có rất nhiều loại: bánh quy, bánh bột bắp... (đa số là hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Đức...). Món nấu sẵn thì có cà ri vịt, cà ri gà, cà ri cá sấu, ragu thỏ... đóng gói trong hộp giấy chì, hâm nóng lại là ăn được ngay, mình đỡ mất thời gian và không lo mất vệ sinh” - chị T. Minh nói.
Khảo sát tại các chợ và siêu thị, chúng tôi nhận thấy những loại thức ăn công nghiệp này được bày bán rất nhiều. Đại diện quản lý một siêu thị cho hay, khoảng một năm nay, sức mua các mặt hàng này tăng mạnh, chủng loại mặt hàng cũng tăng nhanh. So với thức ăn nấu sẵn (bằng nguyên liệu tươi sống) thì các loại thức ăn công nghiệp này có giá bằng hoặc rẻ hơn, lại có bao bì sạch sẽ nên dễ bán.
Không đủ dinh dưỡng
Theo thạc sĩ Đào Thị Yến Phi, Trung tâm Đào tạo Cán bộ Y tế TPHCM, về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể an tâm nếu các loại thực phẩm này được các cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm công nhận chất lượng. Tuy nhiên, trong thức ăn công nghiệp, đa số các vi chất dinh dưỡng như vitamin nhóm B, C, các chất chống oxy hóa... đã bị phân hủy trong quá trình chế biến và bảo quản. Ngoài ra, thức ăn loại này thường có hàm lượng chất béo, natri cao, thành phần chất xơ, vitamin và chất khoáng không đủ nên không đạt mức cân đối cần thiết cho bữa ăn, nhất là ở trẻ em. Các chất béo chế biến ở nhiệt độ cao, kéo dài bị oxy hóa thành những chất không có lợi cho tế bào. Các chất bảo quản nằm trong danh mục cho phép, nhưng cũng là những chất được khuyến cáo chỉ sử dụng ít nhất có thể.
Nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng thức ăn đóng gói sẵn, đã được nghiên cứu kỹ thành phần dinh dưỡng nên bảo đảm đủ dinh dưỡng cho người ăn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Lân Đính, chuyên gia dinh dưỡng, lượng đạm, vitamin trong chè, cháo, cà ri... đóng gói, cơ thể hấp thu được kém xa so với việc ăn khoai, bắp, xôi... nấu bình thường.
Ăn tối đa 2 bữa/tuần
Các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên dùng các loại chè, cháo, bánh ngũ cốc, thức ăn đóng hộp... như thức ăn kèm để thay đổi khẩu vị hoặc để “chữa cháy” khi không có sự lựa chọn nào khác và không nên dùng thường xuyên. Theo bác sĩ Nguyễn Lân Đính, khi dùng những thực phẩm đóng gói, đóng hộp ăn liền, các bà nội trợ nhìn thấy trên bao bì sản phẩm vẽ hình loại rau, củ (hoặc thịt, cá) gì thì hãy... cho loại rau củ đó vào thức ăn và nêm nếm lại để giảm mặn. Riêng với trẻ nhỏ, cơ thể cần nhiều dưỡng chất để phát triển, ngoài việc cho ăn bột, bánh ngũ cốc, nên tập cho các bé ăn thêm rau củ, trái cây hằng ngày. Không nên cho trẻ ăn “thập cẩm” (xay hoặc nấu cùng lúc 3, 4 loại rau củ với nhau) mà nên cho ăn riêng từng loại rau củ... để trẻ cảm nhận được hương vị của món ăn, cho trẻ đổi món liên tục. Chỉ nên cho trẻ ăn tối đa 2 bữa thức ăn công nghiệp/tuần.
( Theo NLĐ )