|
Ảnh minh họa |
Theo khuyến cáo của Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, một trong số những hoạt chất làm cho vật liệu nhựa mềm dẻo hơn để sản xuất đồ chơi trẻ em, có thể gây ngộ độc tinh hoàn và một số dị tật bẩm sinh cho trẻ.
Có thể gây ngộ độc tinh hoàn!
Theo một số nhà khoa học, trong quy trình sản xuất đồ nhựa hiện nay, để tăng độ mềm dẻo hơn, người ta có sử dụng một nhóm chất hoá dẻo có tên Di-octyl-phthalate (DOP). Một số người cho rằng chất này thường có mặt trong sản phẩm nhựa PVC và rất nguy hiểm, đặc biệt với trẻ em.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã phát hiện trong đó có thêm nhiều chất độc hại khác có thể tác động lên người và vật nuôi. Trong đó, chất BBP- một chất phthalate - có thể gây độc cho tinh hoàn và gây ra một số dị tật bẩm sinh nếu tiếp xúc với nó. Điều này đã được một số nhà khoa học Nhật Bản thí nghiệm trên động vật và khẳng định, chất độc đó còn có thể kéo dài dị tật sang thế hệ tiếp theo. Còn nhóm khác cho biết, những kết quả trên chỉ có thể đưa ra để tham khảo.
Mặc dù vậy, khoảng những năm 1999, Hội đồng châu Âu (EU) cũng đã cấm sử dụng các hợp chất phthalate trong sản xuất đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi. Đặc biệt, theo TS Phạm Thế Trinh, Phó Viện trưởng Viện Hoá học công nghiệp (TCty Hoá chất Việt Nam) không chỉ có hợp chất phthalate làm ảnh hưởng đến người sử dụng mà để bắt mắt hơn cho sản phẩm, trong quá trình gia công, người ta còn thêm các loại phẩm màu trắng, vàng, xanh, đỏ... Các loại phẩm màu này đều có tác dụng không tốt cho sức khỏe. Và nếu không may trẻ nuốt phải đồ chơi này sẽ rất nguy hiểm và gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày.
Và nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Ngoài những chất độc hại tác động trực tiếp từ đồ chơi đến trẻ em, theo BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ khi đồ chơi lọt vào đường thở gây ngạt và suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu dị vật lọt vào phổi, nhưng không được phát hiện và gắp ra kịp thì có thể gây viêm phổi, áp xe phổi.
Theo khuyến cáo của BS Lộc, an toàn là điều quan trọng nhất cần cân nhắc khi chọn đồ chơi cho trẻ. Điều đầu tiên cần tuân thủ chính là hướng dẫn về tuổi ghi trên bao bì. Đồ chơi dành cho trẻ từ 3 - 6 tuổi thường mang biển cảnh báo: Có thể gây ngạt thở và tuyệt đối không được sử dụng cho trẻ dưới 3 tuổi. Kể cả nếu trẻ đã hơn 3 tuổi, nhưng vẫn còn thói quen cho các đồ vật vào miệng, thì những đồ chơi này vẫn hết sức nguy hiểm và cần tuyệt đối tránh. Ngoài ra, cũng cần tính đến điều kiện nhà ở và tuổi của những đứa trẻ khác trong gia đình, nhất là những trẻ bé hơn. Đồ chơi cho trẻ lớn có thể trở thành nguy hiểm, nếu rơi vào tay của trẻ nhỏ.
Theo TS Trinh, mặc dù hiện nay đã có một số quy định về quy trình gia công đồ nhựa về nồng độ chất hóa dẻo, tỷ lệ bột màu hay khả năng tương hợp... nhưng vấn đề này hầu như không được các nhà sản xuất để ý. Đó là chưa kể trên thị trường hiện tràn ngập đồ chơi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Về nguyên tắc, trong quá trình gia công, ngoài hóa chất dẻo và bột màu là bắt buộc, người ta còn cho thêm các chất phụ gia khác như phụ gia chống tia tử ngoại, chống lão hóa, phụ gia phân tán... Đó là chưa kể đến các sản phẩm được làm từ nhựa tái sinh – loại nhựa đã tồn tại và bị ngâm tẩm đủ mọi loại chất độc hại tồn tại trong môi trường, gây bất lợi cho người sử dụng.
Theo ông Bùi Huy Tiềm (Trung tâm đồ chơi - Thiết bị mầm non- Cty Thiết bị giáo dục I, Bộ GD&ĐT), để sản xuất đồ chơi cho trẻ, cần hết sức thận trọng. Hiện nước ta chưa có cơ sở nào sản xuất hạt nhựa nguyên liệu nên Công ty Thiết bị giáo dục 1 phải nhập ngoại. Nguyên liệu này sẽ được đưa vào nấu chảy, trộn với phẩm màu để sản xuất đồ chơi. Trước khi đưa ra thị trường, các sản phẩm này phải được Hội đồng thẩm định bao gồm các thầy, cô giáo trong ngành giáo dục mầm non căn cứ vào tiêu chuẩn về mẫu mã, màu sắc, độ đàn hồi, sự phù hợp với chương trình giáo dục mầm non thông qua.
Cũng theo ông Tiềm, hiện nước ta chưa có tiêu chuẩn cụ thể về việc sử dụng nhựa trong sản xuất đồ chơi cho trẻ em.
( Theo Gia đình.Net )