Theo dõi quá trình phát triển tư duy ở trẻ con từ lúc sơ sinh đến khi hoàn chỉnh là một công việc lý thú của các bậc làm cha mẹ đối với con cái. Qua đó, chúng ta có thể tìm ra phương pháp giáo dục đúng mức, định hình và rèn luyện con trẻ một cách đúng hướng, phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên.
Không nên dùng mệnh lệnh, sự cưỡng bức, gò bó, biến các đầu óc ngây thơ, trong trắng thành những “ông bà cụ non bất đắc dĩ”. Các nhà khoa học chia sự phát triển tư duy của trẻ em thành những giai đoạn sau: Độ tuổi sơ sinh: chỉ có những nhu cầu mang tính bản năng như thích gần gũi, ôm ấp, vỗ về và đòi ăn; độ tuổi nhà trẻ: ngây thơ, tươi tắn, đồng thời có ít nhiều sự ích kỷ và sung sướng, hạnh phúc khi được chú ý, chăm sóc; độ tuổi mẫu giáo: trẻ bắt đầu để ý đến những nhu cầu của người khác nhưng tư duy của chúng vẫn còn lẫn lộn giữa thực tế và tưởng tượng; hai năm đầu của bậc tiểu học: trẻ hoàn toàn ngây thơ và ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ, chưa phân biệt được hiện tại và tương lai; những năm sau của bậc tiểu học: trẻ bắt đầu so sánh mình với người khác, bắt đầu đòi hỏi người lớn về những điều mà trước kia trẻ tin tưởng tuyệt đối và khám phá những thực tế không hợp lý về thế giới tương lai.
Kích thích óc khoa học của trẻ
Còn nhỏ, trẻ em không ngừng phát triển óc hiếu kỳ nhưng càng lớn, trí tò mò của trẻ càng trì trệ đi. Do đó cần phải kích động trí thông minh của trẻ. Ngay từ tuổi thơ, trẻ nhỏ phát triển khả năng chú ý và lý luận của chúng khi biết quan sát và tiếp thu sự hiểu biết. Khi chúng lớn lên, phải khuyến khích chúng phát triển tư duy. Đối với một đứa trẻ hỏi quá ít về một vấn đề thì người lớn phải đóng góp vai trò tích cực. Phải kích thích tính suy luận, thúc đẩy óc sáng tạo, hành động. Trẻ sẽ cảm thấy thích thú hơn nếu cha mẹ biểu lộ sự nhiệt tình và vui vẻ trò chuyện với chúng. Với trẻ lớn hơn, chúng ta có thể truyền đạt cho chúng các hình thức giữ vệ sinh, tập cho chúng biết đo lường bằng cân hay bằng thước. Hãy vững tâm đưa cho chúng một cái cân, một chiếc cốc ghi mức độ, chúng sẽ ham mê, chuyên chú vào việc này và dễ dàng thích thú về những gì đã được thực hành.
Đứa trẻ nào cũng bị thế giới loài vật lôi cuốn. Hãy hướng dẫn chúng quan sát một cách trân trọng một con vật và nếp sống xung quanh, chúng sẽ khai triển tính kiên trì và sự chú ý. Chúng ta cũng không nên làm cho chúng sợ lây một con vật, như nhện chẳng hạn. Hãy cấp cho trẻ một cái hộp để chúng cất kho báu linh tinh của chúng hoặc một cái kệ để chúng lưu trữ “viện bảo tàng” cá nhân: vỏ ốc, đá, hoa khô... Điều quan trọng hơn hết là phải biết tôn trọng chốn riêng tư này của trẻ. Đừng bao giờ lau chùi hay quẳng chúng vào thùng rác.
Tập cho trẻ vừa chơi vừa học hỏi là một phương pháp giáo dục tốt, giúp trẻ hội nhập và khám phá thế giới chung quanh. Đây là cách tốt để phát hiện tài năng khoa học mới cho tương lai.
Nâng cao trí thông minh của con trẻ bằng cách nào?
Trong cuốn sách Giới hạn của ảnh hưởng gia đình lên con trẻ, tác giả Thierry Lercus nhấn mạnh, cha mẹ không có ảnh hưởng gì đến trí thông minh của trẻ. Trong khi đó, trong cuốn sách The bell curve tác giả Charles Murray lại quả quyết rằng trí thông minh là yếu tố di truyền trội và đa dạng theo từng sắc tộc, bị ảnh hưởng bởi tác động của môi trường. Vì những nhận định mâu thuẫn trên nên tạp chí The Wall Street đã đăng một bài ký tên bởi 52 nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền đóng vai trò rất lớn và quan trọng hơn vai trò môi trường trong việc tạo ra các chỉ số thông minh.
Nhiều năm liền các bậc cha mẹ tin rằng kích thích trí thông minh của trẻ là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, khi một số nhà khoa học không đồng tình với quan điểm trên thì các bậc cha mẹ trở nên bối rối. Phải chăng nỗ lực của họ nhằm làm tăng trí thông minh chỉ là việc lãng phí thời gian? Hiệp hội Tâm lý Mỹ mới đây khẳng định rằng cả hai vai trò di truyền và môi trường (bao gồm cả sức khỏe trí tuệ, chế độ dinh dưỡng cũng như việc nuôi dưỡng của gia đình) đều có ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Quả thật, nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ sự quan tâm của cha mẹ giúp xây dựng lộ trình cần thiết cho não trẻ để phát triển trí thông minh đặc biệt vào những năm đầu đời khi não còn đang trong quá trình định hình. Bên cạnh đó, các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên giúp tăng chỉ số thông minh của con trẻ. Có thể tóm tắt một vài lời khuyên như dưới đây.
Thường xuyên tâm sự với con mình
Leonardo Pentaurd đã nói chuyện với cô con gái của mình ngay từ khi cô bé mới lọt lòng. Bây giờ, chỉ mới 5 tuổi nhưng cô bé đã biết đọc những cuốn sách đơn giản. Jane Locher, một giáo sư phân tâm học, cho rằng: Nhu cầu ngôn ngữ cho trẻ sớm là một yếu tố quan trọng vì ngôn ngữ đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển trí não. Và từ những kinh nghiệm của mình, ông kết luận rằng nói chuyện thường xuyên với trẻ em sẽ giúp chúng giàu thêm vốn từ vựng. Ngoài ra, trong một thí nghiệm khác, ông và các đồng nghiệp đã thử nghiệm khả năng toán học của hai nhóm trẻ mẫu giáo. Một nhóm có sự quan tâm của cha mẹ và nhóm kia là trẻ mồ côi. Trong những bài kiểm tra phép tính thể hiện bằng hành động, trẻ em của cả hai nhóm đều làm tốt nhưng đến khi những bài tính này được biểu đạt bằng lời nói thì những trẻ em được quan tâm làm tốt hơn nhiều.
Khuyến khích tìm tòi
Một đứa trẻ xây dựng trí thông minh và nhận biết thế giới bằng sự tìm tòi. Chúng tò mò và làm thỏa mãn điều đó bằng việc sờ, ngửi, cào. Các bậc cha mẹ cần phải khuyến khích sự tò mò đó và có thể hãy cùng tìm tòi với chúng. Hãy tháo một món đồ chơi ra thành nhiều mảnh và đưa cho chúng kiểm tra chẳng hạn. Điều đó sẽ giúp cho chúng có tính sáng tạo ngay từ nhỏ.
Dạy phân biệt sự khác nhau giữa những món đồ chơi
Một đứa trẻ có thể phân biệt được sự khác biệt của màu sắc mặc dù chúng không thể nói nên lời nhưng chúng có thể hiểu những màu sắc ngay từ năm lên một. Vai trò của cha mẹ là tìm cách nâng cao sự hiểu biết của trẻ thông qua việc phân biệt màu sắc, hình dáng và kích thước.
Khen ngợi
Trẻ em rất muốn được khen ngợi khi chúng làm xong công việc. Khi chúng tôi khen những bước đi tập tễnh đầu tiên sẽ khiến chúng sung sướng. Điều này giúp nâng chỉ số thông minh. Trái lại, nếu những thành tựu của chúng được đáp lại bằng sự thờ ơ, chúng sẽ không có hứng thú để khám phá những thứ khác nữa.
Luôn để ý đến con trẻ
Sự can thiệp của các bậc cha mẹ là yếu tố rất quan trọng để giúp trẻ phát triển trí thông minh. Ngoài ra, khả năng trí tuệ của chúng vẫn tiếp tục phát triển cho tới khi trưởng thành. Ở thời điểm này, vai trò của cha mẹ vẫn hết sức quan trọng. Thực ra, chỉ số thông minh không thể thay đổi khi trẻ đã trưởng thành nhưng những thành công trong học vấn có thể thay đổi. Đây là những năm mà não của con trẻ đã phát triển khá toàn diện nhưng tác động của cha mẹ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng. Sự quan tâm của chúng ta sẽ không nhất thiết tạo ra một Albert Einstein thứ hai nhưng sẽ thúc đẩy trí thông minh của con trẻ rất nhiều.
(KTNN)
Nld.com.vn
|