Chơi đem lại cho trẻ niềm vui. Niềm vui này có thể là một niềm vui sáng tạo hoặc là một niềm vui chiến thắng, niềm vui thẩm mỹ...
Tất cả đó là những niềm vui có ích, làm phát triển trí thông minh của trẻ. Hãy để cho trẻ làm những việc trẻ thích. Niềm ham thích mãnh liệt về một điều gì đó sẽ kích thích tính sáng tạo của trẻ.
Trò chơi theo khả năng trẻ
Trẻ sơ sinh bắt đầu từ những trò chơi đơn giản theo khả năng tự nhiên, trẻ có thể khám phá thế giới xung quanh bằng sự quan sát các đồ vật, nhìn ngắm ánh đèn hay quả bóng trước mặt hoặc sờ nắn đồ vật bằng tay, mút bằng miệng... Những trò chơi như thế, giúp trẻ phát triển những khả năng đơn giản nhưng đó là nền tảng cơ bản để có thể phát triển tư duy cao hơn và phức tạp hơn. Theo các nhà khoa học nghiên cứu tâm lý trẻ thì: Tuy là chơi nhưng trẻ đang học đấy! Khi chơi, trẻ phải tập trung chú ý, thử nghiệm, đúc kết, tổng hợp để sắp xếp, phân loại đồ chơi, trò chơi hoặc tìm kiếm đồ chơi, trò chơi... Có được những hành động đó là nhờ ở sự phối hợp tài tình giữa nhiều bộ phận khác nhau của não và các giác quan, các cơ quan vận động kích thích não trẻ phát triển.
Trẻ ở giai đoạn 1-3 tuổi bắt đầu thích ngồi một mình chơi với đống đồ chơi như ghép hình khối, nối kết các bánh xe, toa tàu hoặc phá hình đi rồi xếp lại, hay trẻ cũng có thể tập xếp các tranh ghép (puzzle) đơn giản theo tranh mẫu, tập đếm các mẫu gỗ, tập đếm các viên kẹo... Những trò chơi này sẽ giúp trẻ bước đầu làm quen với “tư duy” toán học và học hành tốt hơn khi đến trường. Khi chơi trò chơi ngoài thiên nhiên như đuổi bắt, trốn tìm, chạy thi... trẻ sẽ dễ dàng phân biệt sự khác nhau giữa nóng và lạnh, giữa mùa nắng với mùa mưa. Mỗi trò chơi giúp trẻ phát triển những khả năng khác nhau. Chơi bóng giúp trẻ luyện tập chân tay, tăng cường sự khéo léo và nhanh nhẹn. Còn trò chơi leo trèo, đi trên dây sẽ giúp trẻ phát triển khả năng thăng bằng, sự dẻo dai và lòng cam đảm. Những trẻ hoạt động nhanh nhẹn sẽ luôn ở trạng thái thoải mái. Các trường tiểu học ở TPHCM đã có kết luận: “Những giờ học ngoại khóa, học ngoài thiên nhiên và tổ chức theo kiểu vừa học vừa chơi, trẻ trở nên hoạt bát, thông minh khác thường". Bởi khi chơi, trẻ cảm thấy không bị gò bó, khỏe khoắn và tự tin cũng như sự tôn trọng các bạn cùng chơi.
Người lớn cần tạo điều kiện tối đa để trẻ được vận động
Với một số vật dụng chơi đơn giản và cho phép trẻ nô đùa thay vì bắt trẻ ngồi im bên máy tính. Nên cho trẻ mỗi tuần vài lần đến sân chơi dành riêng cho trẻ em như công viên, vườn thú, nhà văn hóa thiếu nhi... để trẻ được tự do tham gia thể thao, thể hình, bơi lội, đá banh... Nên thu xếp trong nhà một góc nhỏ cho những trò chơi vận động của trẻ. Nếu nhà có vườn cây hãy cho trẻ được sắp đặt một số đồ chơi nào đó theo ý thích riêng của trẻ. Những lúc rảnh rỗi, cha mẹ có thể cùng chơi với trẻ các trò chơi vận động như đá cầu, tung banh, làm ngựa cho trẻ cưỡi, cong người cho trẻ chui qua... Hiện nay trẻ đang bị những trò chơi “hiện đại” như game, điện tử, chuyện tranh nhảm nhí, hoặc ngồi trước ti vi quá lâu, cha mẹ cần đưa trẻ ra chơi ngoài thiên nhiên, tham gia các chuyến du lịch ngắn bằng đi bộ hoặc xe đạp...
(TGPN)
|