Trẻ thường xuyên ngáy ngủ có thể do di truyền, tư thế ngủ, bất thường cấu trúc đường thở hoặc mắc bệnh béo phì, ngưng thở khi ngủ, nhiễm trùng mũi họng.
Ảnh minh họa
Ngáy là âm thanh phát ra lúc ngủ do không khí đi qua gây rung động của các mô mềm ở vòm họng. Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ em ngủ ngáy đa số lành tính. Một số trường hợp là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến thể chất, trí tuệ.
Tắc nghẽn đường thở do mắc các bệnh đường hô hấp là nguyên nhân phổ biến gây ngủ ngáy ở trẻ. Tình trạng này thường liên quan đến sự tăng sinh tổ chức ở vùng mũi họng như viêm amidan, phì đại VA, quá phát cuốn mũi, khối u mũi xoang, polyp mũi, viêm mũi xoang do nhiễm trùng, u vòm họng... làm cho đường thở bị thu hẹp. Khi trẻ cố gắng hít vào, luồng khí đi qua làm các mô bên dưới cổ họng rung lên tạo ra tiếng ngáy.
Trẻ bệnh viêm mũi dị ứng, cảm cúm khiến đường thở bị viêm, cuốn mũi sưng nề, tiết nhiều dịch. Đây cũng là nguyên nhân buộc trẻ phải thở qua đường miệng, tăng nguy cơ ngáy ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là rối loạn nghiêm trọng, trong đó trẻ tạm ngưng thở nhiều lần trong khi ngủ. Nguyên nhân chính dẫn đến OSA là tắc nghẽn đường thở, mô mềm trong cổ họng bị sụp xuống làm gián đoạn luồng không khí ra vào. Theo bác sĩ Đô, amidan, VA lớn là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ. Viêm mũi dị ứng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến OSA, gây ngáy kéo dài.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, OSA còn gây ra các vấn đề về hành vi thần kinh vào ban ngày như trẻ buồn ngủ, suy giảm nhận thức, hiếu động, kém chú ý, chậm phát triển, khó học tập, tăng huyết áp, rối loạn chức năng tim, tăng nguy cơ mắc bệnh tim phổi, rối loạn chuyển hóa.
Thừa cân, béo phì là tình trạng tích tụ chất béo ở cổ, làm co thắt và hẹp đường hô hấp trên, giảm trương lực cơ vùng cổ họng, khiến đường thở bị tắc. Do đó, trẻ béo phì dễ khó thở, ngưng thở khi ngủ.
Lượng mỡ tập trung ở vùng ngực, bụng cũng là nguyên nhân gây giảm dung tích phổi, tăng nhu cầu oxy. Trong khi mỡ bụng có thể đẩy cơ hoành lên trên, chèn ép lồng ngực, tăng áp lực phổi, hạn chế lưu thông khí. Dưới tác động của trọng lực, khi trẻ nằm ngủ, các mô xung quanh đường thở, cổ họng xẹp xuống khiến khó thở, tạo âm thanh ngáy.
Bác sĩ Đô cho biết chất lượng giấc ngủ của trẻ em béo phì bị OSA thường giảm sút, không đủ giấc. Điều này làm thay đổi hàm lượng hormone leptin có chức năng điều chỉnh cảm giác thèm ăn, tăng hàm lượng hormone ghrelin gây đói. Từ đó trẻ thường thèm ăn nhiều hơn vào ban ngày, dễ gây tăng cân. Giảm 10% trọng lượng cơ thể có thể giảm các triệu chứng ngưng thở khi ngủ.
Bất thường về cấu trúc đường thở hoặc khuôn mặt như lệch vách ngăn mũi, cằm nhỏ, hàm nhỏ hoặc lẹm về phía sau, khe họng hẹp, màn hầu thấp...) làm thu hẹp không gian đường thở. Lúc này đường hô hấp trên tắc nghẽn, thở khó khăn, trẻ dễ ngáy ngủ.
Yếu tố di truyền cũng là một trong số những nguyên nhân gây ngủ ngáy ở trẻ. Bác sĩ Đô cho biết trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em ruột có tiền sử ngáy ngủ hoặc mắc rối loạn hô hấp khi ngủ cũng có nguy cơ cao gặp phải vấn đề này.
Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, ô nhiễm không khí gây kích ứng viêm, sưng nề đường thở, thu hẹp dung tích phổi, cản trở không khí lưu thông trong đường hô hấp. Chất độc tích tụ trong phổi khiến trẻ dễ viêm đường hô hấp hoặc khởi phát đợt cấp bệnh hô hấp sẵn có như hen suyễn, tắc nghẽn đường thở, ngáy ngủ.
Nằm ngửa khi ngủ cũng dẫn tới ngáy thường xuyên. Ở tư thế này, các mô xung quanh đường thở xẹp xuống theo tác dụng của trọng lực, vòm miệng mềm tiếp xúc với lưỡi và cổ họng khiến đường thở trở nên hẹp hơn, âm thanh ngáy to hơn. Đặt trẻ nằm nghiêng, kê cao đầu khi ngủ giúp giảm thời gian ngáy, giảm số lần thức giấc giữa đêm, tăng tỷ lệ thời gian ngủ sâu.
Thức khuya, căng thẳng, trẻ ngủ thiếu giấc khiến các cơ phía sau cổ họng giãn nhiều hơn, dẫn đến ngáy ngủ.
Những biểu hiện ngáy ngủ, ngưng thở, giảm thở diễn ra trong đêm gây khó quan sát, nhận biết mức độ nghiêm trọng. Bác sĩ Đô khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đi khám khi ngáy ngủ nhiều, thường xuyên, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, sinh hoạt, học tập giảm sút...
Bác sĩ chỉ định trẻ nội soi tai mũi họng, đo chức năng hô hấp, đo hô hấp ký hoặc đa ký giấc ngủ vào ban đêm khi ngủ... để chẩn đoán nguyên nhân. Phương pháp điều trị khác nhau, tùy theo tính chất ngáy ngủ, mức độ ngưng thở, thể trạng của trẻ.
Trịnh Mai (Vnexpress.net)