Sức khoẻ
Tin tức > Sức khoẻ
   Viêm tai giữa - bệnh thường gặp khi trẻ đi bơi

 

Trẻ có sức đề kháng yếu, cấu tạo vòi nhĩ hẹp, ngắn và nằm ngang, khi bơi dễ bị nước nhiễm khuẩn ứ đọng trong tai gây viêm tai giữa.


Bơi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, song cũng tiềm ẩn nguy cơ viêm tai giữa. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lý giải tai có cấu tạo kín, áp suất bên trong, bên ngoài luôn được giữ cân bằng bởi vòi nhĩ - một ống nhỏ nối giữa khoang tai giữa và vòm mũi họng. Bộ phận này cũng có chức năng thoát chất tiết từ tai giữa xuống vòm mũi họng, ngăn chặn dịch tiết từ vòm mũi họng đi lên tai giữa gây viêm.

 

Bình thường cửa vòi nhĩ luôn khép kín. Khi bơi lội, lặn sâu, nhảy cầu, sự thay đổi áp lực nước quá cao khiến áp suất giữa tai ngoài và tai trong mất cân bằng, màng nhĩ bị căng giãn, hạn chế cử động. Nếu vòi nhĩ chưa kịp mở hoặc tắc nghẽn không mở ra được gây chấn thương âm cho tai giữa với biểu hiện đau tai, ù tai.

 

Nước vào tai khi bơi gây ngứa, cảm giác khó chịu. Trẻ nhỏ thường có thói quen ngoáy tai, làm xây xước da ống tai có thể dẫn tới phù nề, vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm ống tai. Trẻ nhỏ có cấu tạo vòi nhĩ ngắn và nằm ngang hơn so với người lớn. Khi bơi, nước dễ đọng trong tai, làm thay đổi độ pH trong ống tai, tạo cơ hội cho vi sinh vật, vi khuẩn, virus, nấm trong nước xâm nhập vào tai giữa, dẫn tới viêm nhiễm.

 

Các ống vòi nhĩ ở tai trẻ cũng hẹp hơn nên dễ bị tắc. Những bất thường tại vòi nhĩ như sưng, xung huyết, tắc nghẽn cản trở vòi nhĩ đóng hoặc mở khi cần thiết, khiến chất tiết từ tai giữa khó thoát xuống vòm mũi họng. Dịch tiết từ vòm mũi họng có thể đi lên tai giữa.

 

Sức đề kháng của trẻ yếu, dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa... Lúc này niêm mạc vòm mũi họng phù nề, chặn vòi nhĩ, ngăn dịch chảy ra từ tai, dẫn đến tích tụ dịch trong tai giữa, có thể nhiễm trùng. Ngâm mình trong nước quá lâu cũng dễ khiến trẻ bị cảm lạnh với các biểu hiện sổ mũi, đau họng. Nếu không điều trị kịp thời các tình trạng này dễ dẫn đến biến chứng viêm tai giữa.

 

Như bé An, 8 tuổi, đi bơi ba ngày thì bị sổ mũi, đau đầu, đau họng, ho. Chị Thùy, mẹ của bé, tưởng con bị cảm lạnh thông thường nên chỉ xịt rửa mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý. Đến ngày thứ 5, bé bứt rứt, sốt cao 39 độ C, đau tai. Đến khám tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bé bị viêm tai giữa, màng nhĩ sưng phồng, ứ dịch, niêm mạc hai ống tai xung huyết.

 

Còn bé Ngọc, 10 tuổi, viêm họng, sổ mũi nhưng vẫn đi bơi. Sau 4 ngày, bé bị sốt cao, tiêu chảy, đau tai, tai trái chảy dịch vàng. Bác sĩ Minh chẩn đoán bé bị viêm tai giữa do dịch mũi và nước bẩn ở bể bơi chảy ngược vào tai nhưng không được vệ sinh đúng cách.

 

Đây là hai trong số nhiều trường hợp viêm tai giữa sau khi đi bơi điều trị tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Hai tuần gần đây, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi viêm tai do đi bơi, tăng gần hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Cấu trúc ống vòi nhĩ hẹp khiến nước dễ ứ đọng trong tai trẻ, gây viêm nhiễm. Ảnh: Hải Âu


Theo bác sĩ Minh, trẻ có tiền sử bị viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, có bất thường về giải phẫu ống tai... nguy cơ cao bị viêm tai giữa khi bơi. Bệnh có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên với biểu hiện sốt, đau đầu, sổ mũi, mệt mỏi, ăn ngủ kém. Ngoài những triệu chứng đặc hiệu ở tai như đau, chảy dịch, giảm thính lực, trẻ bị viêm tai giữa có thể nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.

 

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, trẻ dễ gặp các biến chứng như thủng màng nhĩ dẫn đến giảm thính lực, viêm xương chũm cấp tính, viêm màng não, áp xe não, huyết khối xoang hang và tĩnh mạch bên. Với trẻ nhỏ mới biết đi, tập nói, viêm tai giữa biến chứng có thể khiến trẻ bị suy giảm thính giác, gây chậm phát triển kỹ năng nói, giao tiếp xã hội.

 

Phương pháp điều trị viêm tai giữa tùy theo nguyên nhân. Bệnh nhi có thể được chỉ định dùng thuốc giảm đau hạ sốt, kháng viêm, kháng sinh, thuốc chống sung huyết hoặc làm thuốc tai (rửa, nhỏ hoặc phun thuốc vào tai) nếu có mủ chảy ra ngoài.

 

Bác sĩ Minh khuyến cáo phụ huynh nên lựa chọn bể bơi có giới hạn lượng người tắm, nguồn nước đảm bảo vệ sinh, không chứa nhiều hóa chất độc hại. Tránh để trẻ bơi ở ao, sông hồ tù đọng, nguồn nước bị ô nhiễm.

 

Trước khi bơi nên kiểm tra tai. Nếu phát hiện ráy, làm sạch bằng cách gắp ráy tai ra ngoài hoặc xịt rửa tai bằng chế phẩm dạng phun sương chuyên dụng. Trang bị đầy đủ mũ, kính bơi và nút tai cho trẻ. Mũ bơi nên chọn loại có chất liệu mềm, chống nước để tránh vi khuẩn, vi nấm, bụi bẩn theo nước ngấm vào tai.

 

Mùa hè oi nóng nhưng nước trong bể bơi vào buổi sáng khá lạnh. Phụ huynh tránh để trẻ nhảy xuống nước bơi ngay mà cần hướng dẫn con khởi động hoặc tham gia một số trò chơi trên bờ, làm nóng cơ thể trước khi xuống nước. Tuyệt đối không tắm hoặc bơi lội khi cơ thể đang ra mồ hôi, vừa tắm nắng hoặc ăn no.

 

Giáo dục trẻ không tiểu tiện trong hồ bơi, tránh nước lọt vào tai, mũi, họng. Nếu nước vào mũi nên bịt một bên lỗ mũi và xì nhẹ bên còn lại. Trường hợp nước chảy vào tai nên nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau để nước chảy ra ngoài.

 

Bé dưới 5 tuổi chỉ nên bơi không quá 30 phút và trên 5 tuổi ít hơn 60 phút. Sau khi bơi, nên tắm lại bằng nước sạch với xà phòng, lấy que tăm bông sạch đặt ở ống tai ngoài trong khoảng 3-5 phút để thấm hút nước. Không nên ngoáy tai cho trẻ bằng các dụng cụ không đảm bảo vệ sinh. Vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước muối sinh lý.

 

Trẻ bị viêm tai giữa hoặc có dấu hiệu viêm đường hô hấp nên điều trị khỏi mới nên đi bơi. Trẻ bị sốt, sổ mũi, đau họng, ngứa tai, đau tai, ống tai chảy dịch vàng đục cần đi khám. Nếu bác sĩ chỉ định cho trẻ uống kháng sinh cần uống đủ liều lượng, đúng thời gian. Không nên tự ý điều trị bằng kháng sinh tại nhà, nhỏ các loại thuốc không rõ nguồn gốc vào tai, dùng dụng cụ ngoáy sâu bên trong tai để tránh nhiễm trùng tăng nặng.

 

 

Trịnh Mai (Vnexpress.net)

 

 
 In Trang này    Chia sẻ lên Facebook  Email Trang này

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đây là mùa trẻ em dễ bị đuối nước, vì vậy hãy ghi nhớ những mẹo phòng chống đuối nước này nhé! (21/6)
 Nguy kịch sau khi chạm vào dây sạc điện thoại đang cắm (14/6)
 Vụ 2 bà cháu tử vong, 2 người nhập viện vì viêm màng não mô cầu: Bộ Y tế chỉ đạo khẩn (14/6)
 Hai trẻ bị đuối nước bể bơi khi theo bố mẹ đi nghỉ dưỡng ở Hạ Long (7/6)
 Bé 3 tuổi bị quạt máy cắt đứt lìa ngón tay (7/6)
 Dùng nhiều thuốc bổ, thực phẩm chức năng cho trẻ có nên không? (20/5)
 6 cách bảo vệ trẻ trong mùa nóng (6/5)
 Trẻ ho nhiều về đêm cảnh báo bệnh gì? (23/4)
 Dấu hiệu cần nhập viện khi trẻ mắc tay chân miệng (18/4)
 Số ca mắc tay chân miệng trong cả nước tăng vọt, đã có hơn 10.000 ca (11/4)
 Cách phòng bệnh viêm mũi lúc giao mùa cho con (2/4)
 Nhận diện các triệu chứng và biến chứng của bệnh ho gà ở trẻ nhỏ (28/3)
 Nguy cơ thoái hóa khớp ở trẻ nhỏ sử dụng điện thoại quá nhiều (19/3)
 Khi trẻ bị ho, cha mẹ nên ghi nhớ '5 điều cấm kỵ' này, nếu không trẻ dễ dính viêm phổi, viêm phế quản và còn lâu mới khỏi bệnh (11/3)
 Tại sao cần cho trẻ khám mắt trước khi đi học? (26/2)
 5 dấu hiệu trẻ bị tật khúc xạ (19/2)
 Phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ dịp Tết (29/1)
 Trẻ biếng ăn, thường xuyên mắc bệnh là do đâu? (26/1)
 Báo động: Trẻ thừa cân béo phì nhiều hơn trẻ suy dinh dưỡng (17/1)
 5 lưu ý giữ ấm cho trẻ đúng cách vào mùa đông (12/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i