Mỗi năm, khi Tết Nguyên đán gần kề, các bệnh viện ghi nhận không ít trường hợp trẻ gặp tai nạn thương tích.
Tùy từng loại tai nạn thương tích ở trẻ mà người lớn có thể áp dụng cách sơ cứu khác nhau. Ảnh minh họa
Theo các bác sĩ, người lớn vì bận rộn mà lơ là khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng
Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé L.A. (10 tuổi, ở Nghệ An) trong tình trạng nôn, lơ mơ, co giật. Sau khi các bác sĩ xử trí ban đầu, trẻ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Do không có biện pháp điều trị đặc hiệu ngộ độc thuốc diệt chuột, trẻ đã tử vong sau gần 1 ngày vào viện.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: "Trong các dịp Tết Nguyên đán hằng năm, số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích đều tăng cao hơn. Trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân, hoặc trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn thích thể hiện cái tôi cá nhân".
Đặc biệt, theo chuyên gia này, với những trẻ sống ở các đô thị lớn, dịp Tết được cùng gia đình về các vùng nông thôn với môi trường mới nhiều điều lạ với trẻ, nhưng cũng có nhiều nguy cơ hơn như ao, hồ, cây cối... Trong khi đó, người lớn vì bận rộn mà lơ là khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.
Bác sĩ lưu ý, các phụ huynh và người chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ. "Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời", bác sĩ Nguyễn Tân Hùng khuyến cáo.
Những tai nạn thường gặp
BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM) cho biết, vào những ngày giáp Tết và Tết, các phụ huynh thường bận rộn nên không có người trông trẻ, đặc biệt là với các bé từ 1 đến 3 tuổi.
Ở lứa tuổi này, trẻ có thể bị các tai nạn trong nhà như dị vật đường thở, điện giật, bỏng, ngạt nước, uống nhầm hóa chất, chấn thương...
Theo bác sĩ Tiến, một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ là dị vật đường thở như khi ăn dưa hấu có hạt, hoặc cắn hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, ngay cả kẹo mứt...
Đặc biệt, trẻ có nguy cơ cao bị dị vật đường thở khi vừa ăn vừa cười đùa hoặc khóc. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hạt. Hoặc, khi ăn, cha mẹ phải lấy hết hạt ra cho trẻ.
Một nguy cơ khác là trẻ có thể bị điện giật do những chùm đèn trang trí trên chậu cây cảnh, nhang điện, đèn hào quang, nhấp nháy ở các bàn thờ. Những đèn này thường thu hút trẻ, khiến bé tò mò, chạm vào nên bị điện giật.
Phụ huynh có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế trang trí đèn nhấp nháy, hoặc để ở xa tầm với của trẻ. Các ổ điện cần được che kín bằng những nút nhựa an toàn.
"Vào ngày Tết, các gia đình thường dùng khăn trải bàn, trên đó để bình trà nóng hoặc phích nước sôi để châm trà, hoặc để các thức ăn nấu nóng trên bàn. Khi đó, trẻ có thể chạm phải hoặc kéo khăn bàn làm rơi đổ, gây bỏng.
Hay, phụ huynh có thể ủi đồ ngày Tết và quên để bàn là tại nơi trẻ sờ tới được, gây bỏng. Phòng ngừa bằng cách hạn chế sử dụng khăn trải bàn hoặc phải cố định thật chắc để trẻ không thể kéo rơi đổ. Sau khi ủi đồ xong, phải để bàn là xa tầm với của trẻ", chuyên gia cảnh báo.
Một nguy cơ khác trẻ có thể gặp là ngạt nước. Một số gia đình có hòn non bộ trong nhà. Trẻ có thể đến đó và ngã vào hồ hoặc xô nước, gây ngạt. Do đó, cha mẹ cần phòng ngừa bằng cách không thiết kế hồ trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ. Ngoài ra, cần đậy nắp bồn cầu hoặc không chứa nước trong các xô.
"Trẻ có thể bò, đi quanh nhà và vớ bất cứ thứ gì cho vào miệng từ đó có thể có chất gây ngộ độc, ảnh hưởng tính mạng trẻ", chuyên gia cho biết. Phụ huynh cần phòng ngừa bằng cách không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát. Các hóa chất phải để xa tầm với và tầm nhìn của trẻ...
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, có trường hợp trẻ nhỏ dưới 3 tuổi ngậm đũa, thìa trong lúc ăn, chạy chơi bị ngã. Khi đó, chiếc đũa đâm vào thành sau họng gây xuất huyết sưng nề tắc nghẽn đường thở, đồng thời, gây suy hô hấp.
Trường hợp khác bị bát vỡ cứa cổ, gây đứt mạch máu lớn, dẫn tới sốc mất máu. Vì vậy, ở nhóm tuổi này, phụ huynh nên đút cho trẻ ăn. Trong trường hợp để trẻ tự ăn, phụ huynh vẫn phải giám sát chặt chẽ.
Theo Afamily.vn
Theo Giáo dục và thời đại