Bé gái chào đời ở tuần thai 27 nặng 1 kg không thể tự thở, được y bác sĩ nuôi trong lồng ấp nhân tạo, thở máy, chăm sóc đặc biệt, hai tháng rưỡi sau tăng 3 kg.
Ngày 15/7, TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé sinh cực non có nặng cân hơn so với nhiều trẻ sinh non khác nhưng nguy cơ cao gặp biến chứng vì không thể tự thở. Bé còn quá non nớt để có thể phối hợp bú, nuốt và thở cùng một lúc nên được nuôi dưỡng qua tĩnh mạch.
Chị Tiên, mẹ bé, 29 tuổi, trong thai kỳ không phát hiện kịp thời dấu hiệu sinh non. Do đó, bé không được tiêm thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi để phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ sinh non, giảm nguy cơ tử vong. Bé chào đời không tự thở, được bác sĩ hồi sức ủ ấm và hỗ trợ hô hấp với áp lực dương ngay vừa chào đời tại phòng sinh, đến khi ổn định các chỉ số sinh tồn mới chuyển sang chăm sóc đặc biệt (NICU).
Để điều trị tình trạng suy hô hấp, bé được trợ thở bằng máy thở rung tần số cao không xâm lấn song không cần đặt nội khí quản, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
Hầu hết trẻ sinh non sẽ sụt cân sinh lý, giảm khoảng 10-15% cân nặng khi chào đời. Em bé này - tên Joy - được bác sĩ tăng cường cung cấp năng lượng, bổ sung đủ vi chất cho bé. Joy được tập nuôi ăn sớm bằng sữa mẹ để phát triển, tăng sức đề kháng. Sau khi khống chế được sụt cân sinh lý, bé lại tăng cân chậm do trào ngược dạ dày thực quản, có nguy cơ nghẹt thở, viêm thực quản do hít axit trong dịch dạ dày.
Bé Joy được mẹ nắm tay động viên, trò chuyện mỗi ngày khi còn trong lồng ấp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bé bị trào ngược sinh lý do cơ thể chưa hoàn thiện nên phải phối hợp can thiệp bằng nhiều biện pháp theo mức độ bệnh lý. Điều dưỡng chia nhỏ cữ, vỗ ợ hơi sau ăn để bé giảm số lần trào ngược, túc trực 24/24 nhằm phát hiện bất thường. Khi Joy được 1,5 kg, bác sĩ cho bé massage toàn thân giúp phát triển xúc giác, vận động.
Bác sĩ Thiều Chương cho biết Joy được chăm sóc trên mô hình nuôi trẻ sinh non gắn kết với gia đình (Family-centered care). Mô hình này cho phép gia đình vào phòng NICU để nói chuyện, chăm sóc, da kề da sớm với trẻ. Trẻ sinh non được da kề da sớm với mẹ dễ thích nghi tốt hơn với môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hòa nhịp tim hô hấp, nhiệt độ, tăng cân tốt.
Joy chào đời 15 ngày đã được mẹ ấp da kề da (ấp Kangaroo) ngay tại phòng chăm sóc đặc biệt. Thời gian ấp ba tiếng mỗi ngày, kéo dài một tháng. Lúc này, bé còn thở CPAP (thở máy không xâm lấn), điều dưỡng hướng dẫn mẹ chăm sóc trẻ sinh non, cách kiểm soát nhiễm khuẩn.
Được chăm con sớm giúp chị Tiên giảm căng thẳng sau biến cố sinh non. Bé tăng cân sau 2,5 tháng điều trị, cân nặng đạt 3 kg, khỏe mạnh xuất viện.
Bác sĩ Chương kiểm tra cho bé Joy trước xuất viện. Ảnh: Tuệ Diễm
Mô hình trao quyền cho bố mẹ chăm sóc sớm trẻ sinh non được Trung tâm Sơ sinh triển khai áp dụng ba năm nay. Hàng trăm trẻ đẻ non được gần gũi bố mẹ sớm, hồi phục, xuất viện sớm, tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn tăng lên 90%, hỗ trợ tăng cân, tăng sức đề kháng.
Bác sĩ Chương cho biết mô hình Family-centered care được áp dụng tại nhiều nước phát triển, khuyến khích phụ huynh và người chăm sóc đồng hành cùng với đội ngũ y tế trong điều trị và nuôi dưỡng bé. Với cách làm này, bác sĩ và điều dưỡng có cơ hội lắng nghe những suy nghĩ, lo lắng của phụ huynh trong quá trình làm quen với việc chăm sóc bé. Từ những kiến thức, góc nhìn và cảm nhận khác nhau của phụ huynh, đội ngũ y tế hỗ trợ, hướng dẫn và tìm tiếng nói chung đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với các khuyến cáo y khoa hiện nay. Mục tiêu tạo không khí tôn trọng và an toàn, giúp phụ huynh thoải mái, thành thạo hơn khi nuôi dưỡng trẻ, tự tin, an tâm hơn khi bé được xuất viện về nhà.
"Mô hình này chưa phổ biến tại Việt Nam", bác sĩ Chương nói, thêm rằng để triển khai cần nhân lực và điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn đặc biệt. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tập trung hướng dẫn một kèm một giúp bố mẹ tham gia chăm sóc trẻ sinh non sớm ngay tại phòng NICU.
Tuệ Diễm (Vnexpres.net)