Bệnh khác
   Chủ động trong phòng, chống bệnh Rubella
 

Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 6.000 người mắc bệnh Rubellla. Trước đây, trẻ nhỏ từ 1 đến 5 tuổi là đối tượng chính của căn bệnh này, nhưng mấy năm trở lại đây, lứa tuổi có tỷ lệ mắc cao lại là các bé gái trong độ tuổi từ 10 đến 19.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, năm 2005, cả nước có gần 13 nghìn người mắc Rubella ( 57% số người mắc bệnh vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 7).

Rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức, bệnh nốt đỏ nhỏ, đậu hồng ban... là bệnh truyền nhiễm gây ra do virus rubella, thuộc nhóm bệnh hồng ban dát sần, dễ nhầm lẫn với bệnh sởi.

PGS-TS Phạm Ngọc Đính, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: Đặc điểm lâm sàng của bệnh Rubella  thường có bốn giai đoạn: thời kỳ nung bệnh (ủ bệnh), khởi phát, toàn phát và thoái lui (phục hồi). Ở thời kỳ đầu, thời gian ủ bệnh từ 12 đến 21 ngày (trung bình 16-18 ngày) thường không có triệu chứng. Thời kỳ tiếp theo kéo dài một đến ba ngày, có sốt nhẹ, ăn uống kém, đau đầu, hắt hơi hoặc chảy nước mũi nhẹ, có thể sưng hạch ở sau tai, vùng cổ. Thời kỳ toàn phát thể hiện qua các triệu chứng toàn thân: sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm theo kém ăn, mệt mỏi, đau đầu và xuất hiện ban. Đầu tiên ở mặt, lan xuống dưới, có khi không theo trình tự từ trên xuống dưới, thường không lan rộng toàn thân. Kiểu ban là hồng ban nhỏ giống ban sởi, ít khi gặp ban dát sần, ban xuất huyết và ban bay nhanh không theo quy luật và không để lại vết thâm trên da. Bệnh thường có diễn biến lành tính, nhanh và nhẹ hơn sởi, thời kỳ hồi phục trong vòng một tuần, ít khi xảy ra bội nhiễm hoặc biến chứng.

Bệnh hầu như không có tử vong, tuy nhiên có thể gây những biến chứng như viêm não - màng não, viêm rễ thần kinh, xưng khớp. Nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người bệnh là phụ nữ mang thai, nó có thể gây dị sản (hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ).


Hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) là một hội chứng gây hậu quả nặng nề và đặc thù nhất của bệnh Rubella, khiến y học phải đặc biệt quan tâm và đặt vấn đề phòng ngừa chủ động. Virus Rubella từ máu mẹ vào thai nhi trong giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh. virus có hướng tính cao và có khả năng phá hủy hay ức chế  phân bào của một số dòng tế bào non của phôi thai, nhất là trong giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ phát triển, gây ra dị sản (dị tật bẩm sinh). Tỷ lệ có nguy cơ dị sản trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể lên tới 50% số trường hợp nhiễm virus (có nghiên cứu cho rằng, tỷ lệ có thể lên tới 80%, trong hai tháng đầu); trong ba tháng tiếp theo nguy cơ này khoảng 10 đến 30%. Con của những phụ nữ mắc Rubella nhất là trong giai đoạn 12 tuần đầu mang thai có thể biểu hiện một hoặc nhiều dị tật, bệnh lý bẩm sinh, như: hở hẹp van tim, tồn tại ống thông tim hoặc động mạch, đục thủy tinh thể, điếc, các dị tật về xương dài, bại não, dị dạng ở não, phổi, mắt, những khiếm khuyết về tâm- tinh thần... Thai phụ mắc bệnh trong tháng cuối thai kỳ có thể gây đẻ non, sảy thai, thai chết lưu hoặc dị tật. Phụ nữ chưa được tiêm vaccine phòng Rubella; phụ nữ tuổi trẻ và thường sinh con lần đầu, thai phụ mắc Rubella cấp tính trong vòng trước tuần thứ 12 thai kỳ... thường là một trong những yếu tố nguy cơ cao làm tăng khả năng mắc CRS.


Rubella là bệnh truyền nhiễm có chỉ số lây truyền khá cao (khoảng 80% số người chưa từng có miễn dịch) và nằm trong nhóm bệnh có chỉ số lây nhiễm cao nhất. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm virus Rubella và phát bệnh. Dịch bệnh Rubella có tính chu kỳ, trung bình bảy, tám năm hoặc có khi dài hơn. Tại miền bắc Việt Nam bệnh thường phát triển vào các tháng mùa đông- xuân, còn miền nam bệnh có thể gặp quanh năm. Bệnh Rubella lây truyền qua đường hô hấp, virus theo chất thải của đường hô hấp của người bệnh (khi ho, khạc, hắt hơi sổ mũi...) tung ra không khí rồi đi vào đường thở của người lành. Người bệnh có thể truyền bệnh cả trong giai đoạn ủ bệnh, khởi phát và toàn phát. virus có thể tồn tại trong trạng thái gây bệnh ngoài môi trường từ một đến vài giờ, tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm không khí. Những nơi tập trung đông người, như trường học, ký túc xá sinh viên, công nhân... là môi trường lây bệnh thường gặp nhất.

Hơn 65% số vụ Rubella được thống kê năm 2005 xảy ra ở khu công nghiệp, nơi tập trung đông học sinh. virus có thể tồn tại kéo dài ở phụ nữ có thai và thai nhi nhiễm bệnh (hơn 80% số trường hợp trẻ mắc CRS có thể thải virus qua dịch tiết hô hấp và nước tiểu trong nhiều tháng sau khi đẻ). Sau khi mắc bệnh, người bệnh có miễn dịch lâu dài với virus Rubella, tuy nhiên gây miễn dịch chủ động bằng vaccine vẫn là biện pháp phòng ngừa chủ động, tích cực nhất.


Bệnh Rubella thường diễn biến nhẹ cho nên không cần sự chăm sóc, điều trị đặc biệt, có thể theo dõi điều trị tại nhà hoặc y tế cơ sở, y tế tư nhân. Cần có biện pháp hạ sốt nếu trẻ sốt cao bằng cách sử dụng các biện pháp vật lý và cho uống nhiều nước, chỉ sử dụng thuốc hạ nhiệt khi thật cần thiết và không nên dùng loại aspirin; kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống các chất giàu dinh dưỡng, vitamin A; chăm sóc, vệ sinh răng miệng, mắt, bàn tay và thân thể cho trẻ. Không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm. Phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để tổ chức cách ly phù hợp. Người bệnh phải thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế việc tiếp xúc với người lành chung quanh. Hạn chế việc tập trung đông người trong khu vực đang có dịch sốt phát ban nghi sởi hoặc Rubella.

Phụ nữ có thai, nhất là giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ, nếu có triệu chứng nghi mắc Rubella cần đến khám và được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa phụ sản, truyền nhiễm hoặc tại các phòng khám có kinh nghiệm, trong trường hợp này có thêm chỉ định xét nghiệm máu. Nếu mắc Rubella trong vòng hai, ba tháng đầu thường nhận được lời khuyên phá bỏ thai để tránh nguy cơ cao sinh con bị dị tật bẩm sinh.


Để dự phòng chủ động cho người dân, biện pháp tốt nhất là sử dụng vaccine Rubella. Đối với trẻ em, nên tiêm hai mũi, mũi một sau 15 tháng tuổi, mũi hai cách sáu đến mười tháng hoặc tiêm vào lúc trẻ bốn đến sáu tuổi. Người lớn nếu chưa từng mắc Rubella cũng nên được tiêm chủng, nhất là phụ nữ ở độ tuổi mang thai.


Đối với phụ nữ trẻ dự kiến có thai nên tiêm một mũi vaccine trước khi có thai ít nhất một tháng, tốt nhất trước ba, bốn tháng. Khi đã có thai tuyệt đối  không được tiêm vì vaccine Rubella là vaccine sống giảm động lực. Biện pháp tốt nhất khi đó là phòng bệnh cho bản thân bằng việc hạn chế tiếp xúc với đám đông, nhất là khi có dịch; mang khẩu trang và vệ sinh răng miệng, đường hô hấp thường xuyên bằng các dung dịch xúc họng; đồng thời theo dõi, phát hiện sớm nếu có các triệu chứng sốt nhiễm trùng phát ban để khám và được tư vấn.

(Nguồn tin: Nhân dân)

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Kawasaki là bệnh gì? (23/5)
 Trẻ em ngộ độc thực phẩm, trách nhiệm của người lớn (22/5)
 Chăm sóc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh như thế nào? (9/5)
 Các tổn thương mô mềm miệng ở trẻ em (3/5)
 Ngăn ngừa xuất huyết não-màng não do thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ (24/4)
 Trẻ em cũng cao huyết áp! (22/4)
 Trẻ em có thể mắc chứng điên loạn khi tiếp xúc với phân chó nhiễm giun (21/4)
 Bệnh sâu răng (20/4)
 Bại liệt trẻ em. (20/4)
 Tự ý ngưng thuốc dễ khiến trẻ hen bị bệnh suốt đời (20/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i