Sự nhạy cảm không phải là rối loạn hay khiếm khuyết tâm lý mà là tính khí bẩm sinh.
Đứa trẻ được sinh ra với những cảm xúc tinh tế và có những suy nghĩ thái quá. (Ảnh: ITN).
Nói cách khác, đứa trẻ được sinh ra với những cảm xúc tinh tế và có những suy nghĩ thái quá. Chúng có những giác quan nhạy cảm và đặc biệt nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, mùi vị,...
Những đứa trẻ có phản ứng tương tự kể trên được gọi là những đứa trẻ rất nhạy cảm. Thực tế, trẻ có tính nhạy cảm cao không phải là hiếm. Một bà mẹ đã phát hiện ra đặc điểm này của con gái mình: "Thật khó để nuôi dạy những đứa trẻ nhạy cảm ngay từ khi còn nhỏ.
Khi con gái tôi được vài tháng tuổi, đêm nào cháu cũng được ru ngủ, nhưng khi đặt cháu xuống, cháu sẽ thức dậy ngay và mỗi đêm cháu sẽ thức dậy nhiều lần.
Sau khi lớn hơn một chút, cháu vẫn hay khóc nhè và dễ xúc động. Cháu sợ người lạ, sống nội tâm và điều khó đối phó nhất là đôi khi cháu cũng rất bướng bỉnh. Chẳng hạn khi đi công viên, phát hiện có cát trong giày, cháu hét lên và nằng nặc đòi thay giày".
Trẻ em có độ nhạy cảm cao sẽ chú ý đến những điều nhỏ nhặt và chi tiết dễ bị bỏ qua, bao gồm âm thanh nhỏ, mùi thoang thoảng, những thay đổi của đồ vật, thay đổi trong biểu cảm của mọi người...
Thực ra, nhạy cảm cao không hẳn là một điều xấu. Nhìn từ góc độ khác, đó còn là một tài năng và thế mạnh đáng trân trọng.
Hệ thống thần kinh nhạy cảm thường gây rắc rối cho trẻ, nhưng cũng mang lại cho chúng một nội tâm phong phú độc đáo, biết quan sát, nhân ái và sẵn sàng thể hiện lòng tốt.
Hầu hết những đứa trẻ này đều rất hiền lành. Ngoài ra chúng còn có những ưu điểm riêng biệt như: Một đứa trẻ nhạy cảm có tinh thần trách nhiệm cao khi phát hiện ra gia đình hoặc bạn bè của mình không hạnh phúc, trẻ sẽ chủ động quan tâm, an ủi người khác theo cách riêng của mình.
Những đứa trẻ nhạy cảm có khả năng đồng cảm mạnh mẽ và là những người biết lắng nghe. Trẻ nhạy cảm hiếm khi cảm thấy cô đơn hay buồn chán, bởi chúng có thế giới nội tâm phong phú và biết cách tận hưởng khi ở một mình.
Dưới đây là 2 cách nuôi dạy đứa trẻ rất nhạy cảm được giới chuyên gia gợi ý:
Chấp nhận những nét tính cách của con
Hệ thống thần kinh nhạy cảm thường gây rắc rối cho trẻ. (Ảnh: ITN).
Những đứa trẻ có tính nhạy cảm cao chắc chắn sẽ có nhiều thăng trầm về mặt cảm xúc hơn những đứa trẻ khác. Việc nuôi dạy một đứa trẻ như vậy khiến cha mẹ cảm thấy mệt mỏi.
Là người gần gũi nhất với trẻ, điều quan trọng và khó khăn nhất là cố gắng hiểu trẻ và chú ý nhiều hơn đến thế giới nội tâm hơn là biểu hiện bên ngoài của trẻ.
Nếu cha mẹ luôn tỏ ra khó chịu và trách móc sự nhạy cảm của con thì con sẽ trở nên xa lánh cha mẹ.
Những đứa trẻ nhạy cảm sẽ chỉ trích bản thân một cách gay gắt nên thái độ của bạn sẽ chỉ khiến chúng thêm tuyệt vọng mà thôi.
Hãy kiên nhẫn với con
Khi nuôi dạy một đứa trẻ nhạy cảm, tất cả các kỹ thuật và phương pháp có thể tóm tắt trong hai chữ: "Kiên nhẫn".
Những đứa trẻ có tính nhạy cảm cao có thể khó nuôi dạy hơn khi chúng còn nhỏ. Cha mẹ sẽ gặp phải một số tình huống "đau đầu" như sau:
"Quần áo mới mua rõ ràng là chất lượng tốt nhưng con tôi nói không thoải mái và không chịu mặc".
"Sau khi cắn một miếng thức ăn, con tôi cau mày và không chịu ăn thêm miếng nào nữa".
"Trò chơi sôi động, vui vẻ ngoài kia thu hút rất nhiều đứa trẻ khác nhưng con tôi lại không chịu tham gia...".
Trên thực tế, trẻ càng rút lui thì cha mẹ càng cần hỗ trợ tâm lý kịp thời và cho trẻ thêm thời gian để thích ứng với những thay đổi.
Hãy nhắc nhở bản thân rằng con có thể cảm nhận được sự kích thích mà bạn không thể nhận ra. Khi bạn không thể tìm ra nguồn gốc của sự kích thích, hãy ôm con, an ủi con và đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu cảm xúc của con.
Khi cảm xúc của trẻ được chấp nhận, nhìn thấy và thấu hiểu, chúng sẽ có thêm dũng khí bên trong và có được sức mạnh để chống lại sự lo lắng.
Những đứa trẻ có độ nhạy cảm cao không thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của nhiều cảm xúc khác nhau.
Chỉ khi trẻ được tự do thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau thì trẻ mới chấp nhận được bản chất nhạy cảm của mình.
Theo Giáo dục và thời đại
Theo sohu.com