Các trường công lập hằng năm không có thưởng Tết mà thường có khoản tiết kiệm chi tiêu từ ngân sách chia ra nhằm động viên thầy cô. Với trường khó khăn, ít học sinh, dịp Tết đến, thầy cô chỉ nhận được cân giò, chai dầu ăn làm quà.
Co kéo chi tiêu để thưởng Tết
Thầy N.V.H, giáo viên dạy thể dục một trường tiểu học tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, dịp cận Tết này, ngoài giờ lên lớp, thầy kiêm luôn vai trò đi giao hàng cho vợ để kiếm thêm thu nhập . Vợ thầy H. mở gian mỹ phẩm nhỏ nhưng lại là nguồn thu chính trang trải cho cả gia đình 4 người.
"Tết là dịp có rất nhiều khoản cần phải chi tiêu nhưng ngoài lương, giáo viên không có tiền thưởng. Những năm trước, nhà trường cũng tiết kiệm chi tiêu để có chút gọi là động viên thầy cô, không đáng kể", thầy H. nói.
Thầy Nguyễn Ngọc Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS số 1 xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) nói vui, thưởng Tết giáo viên trong trường học thực chất là "lấy tiền từ tay trái đưa sang tay phải. Bởi lẽ, hiện nay ngành giáo dục không có khoản nào gọi là thưởng Tết mà tiền thưởng hằng năm do các nhà trường chắt chiu các khoản chi để cuối năm chia ra mỗi người một ít để thầy cô giáo có thêm nồi bánh chưng.
Các trường công lập hằng năm không có thưởng Tết mà thường có khoản tiết kiệm chi tiêu từ ngân sách nhằm động viên thầy cô có thêm "nồi bánh chưng".
Năm ngoái, Trường THCS số 1 xã Thượng Hà thưởng cao nhất cho giáo viên có thành tích tốt, xếp loại thi đua xuất sắc khoảng 1,7 triệu đồng ; người thấp nhất khoảng 800 nghìn đồng. Ngoài ra, nhà trường còn chi một khoản cào bằng cho tất cả cán bộ, giáo viên từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng tuỳ vào mức tiền kết dư từng năm.
"Với 21 cán bộ, giáo viên, nhà trường xoay trở, co kéo lắm mới lo được mức chi đó để động viên thầy cô có cái Tết ấm áp hơn và không tủi thân. Hơn 22 năm làm nghề, chưa có năm nào được thưởng Tết lớn nên đã dần quen và thấu hiểu, kinh tế khó khăn, đội ngũ nhà giáo lớn, việc tăng lương còn khó khăn nên không dám kiến nghị, đề xuất. Tuy nhiên, khi nhìn sang các ngành, nghề khác thấy mức thưởng của họ rất cao", thầy Kiên nói.
Hiệu trưởng các trường công lập khác ở Hà Nội tiết lộ, tuỳ vào mức chi và tiết kiệm được hằng năm để có mức thưởng cho giáo viên từ 3-8 triệu đồng/người. Tuy nhiên, cũng có trường có ít học sinh, tiền ngân sách về trường ít nên dù có chắt bóp quanh năm cũng không có khoản ra tấm ra món để chi đành phải mua giỏ quà bánh, cân giò động viên thầy cô.
Trường tư thưởng hàng chục triệu đồng
Nếu trường công lập chỉ dựa vào tiền tiết kiệm chi tiêu hàng năm để có khoản động viên giáo viên dịp Tết thì ngược lại, ở khối trường tư giáo viên được thưởng hậu hĩnh hơn.
Hiệu trưởng một trường THCS - THPT tại quận Cầu Giấy tiết lộ, hằng năm tuỳ vào mức thi đua của từng giáo viên để có chế độ thưởng khác nhau dao động từ 20-40 triệu đồng. Trong đó, không phụ thuộc vào tuổi nghề mà nhà trường đánh giá vào năng lực, sự cống hiến, tận tâm vì học sinh. "Có giáo viên trẻ vừa ra trường chỉ 1-2 năm nhưng Tết năm ngoái đã nhận mức thưởng 35 triệu đồng/tháng", hiệu trưởng này nói.
Mới đây, Trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) cũng công khai mức thưởng Tết đối với đội ngũ giáo viên như những năm trước. Trong đó, nhân viên được thưởng một tháng lương, được tính bằng trung bình cộng thu nhập trong 12 tháng của năm 2024. Trung bình mức thưởng Tết cho giáo viên của trường là 22 triệu đồng/người, mức cao nhất sẽ hơn 35 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp nói rằng, trong giai đoạn đổi mới chương trình GDPT, giáo viên là những người rất vất vả để chuyển mình, đổi mới phương pháp dạy học. Những năm qua, theo đánh giá, thầy cô đã rất tận hiến, tận tâm với học sinh cho nên mức thưởng như vậy là hoàn toàn xứng đáng.
Chia sẻ với PV, cô Lê Thị Na Sa, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội) bày tỏ mong muốn nhà giáo có tháng lương thứ 13 để thầy cô có thêm niềm vui, động lực với nghề. Nhà giáo lương thấp, không có thưởng Tết mà chỉ có khoản động viên.
"Nếu Hà Nội có được chính sách hỗ trợ đội ngũ nhà giáo tháng lương thứ 13, trong đó già hay trẻ đều có mức thưởng như nhau sẽ là nguồn động viên tuyệt vời", cô Na Sa nói.
Thầy cô thấu hiểu với Ban giám hiệu nhà trường nên trong suốt các năm học đều ý thức phải tiết kiệm, giữ gìn cơ sở vật chất để giảm số tiền cần phải chi tuy nhiên tiền thưởng Tết không đáng là bao. Chưa kể, có trường nhiều, trường ít học sinh, mức tiết kiệm tiền chi cũng khác nhau. Trong khi, ở Thủ đô Hà Nội có mức sống cao, Tết lại là dịp cần phải chi tiêu nhiều khoản, từ bộ quần áo mới cho con đến chúc mừng ông bà, nội ngoại...
Theo Tiền Phong