Cải thiện đời sống tình dục hay can thiệp y tế không phải là những cách duy nhất để cải thiện khả năng thụ thai cho chị em. Điều chỉnh ăn uống, tận dụng những thực phẩm nuôi dưỡng buồng trứng cũng có hiệu quả không kém.
Tiến sĩ Li Junyi, Giám đốc điều hành Bệnh viện Maosheng (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ, khó thụ thai, hiếm muộn hay vô sinh hiện nay đã trở thành một vấn đề "nóng" với chị em phụ nữ.
"Có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng này, nhưng đồng thời cũng chính những yếu tố này có thể cải thiện khả năng sinh sản ở phụ nữ nếu điều chỉnh đúng cách. Trong đó, việc bảo vệ và cải thiện sức khỏe buồng trứng, cụ thể hơn là nuôi trứng đặc biệt quan trọng. Nhất là với những phụ nữ có vấn đề về buồng trứng, lớn tuổi, rất nhiều lần thụ thai không thành.
Để làm được điều này, có sự đóng góp không hề nhỏ từ chế độ ăn uống hàng ngày. Quá trình nuôi một quả trứng khỏe mạnh đến khi trưởng thành mất 90 ngày, nang trứng trưởng thành chất lượng cao sẽ phát triển đến đường kính tối ưu từ 18mm - 20mm. Nghĩa là bạn phải biết rõ mình nên ăn gì và kiên trì với nó, bổ sung một cách hợp lý kết hợp với nhiều yếu tố khác" - Tiến sĩ Li Junyi giải thích.
Bà cũng đưa ra "ngũ bảo nuôi trứng" từ thực phẩm quen thuộc, giúp chị em dễ bổ sung hơn:
1. Thực phẩm giàu DHEA
Theo Tiến sĩ Li Junyi: "DHEA (dehydroepiandrosterone) là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận của cơ thể (những tuyến nằm ngay trên thận), còn được gọi là hormone chống căng thẳng. Khi các hormone chống căng thẳng trong buồng trứng không đủ để đáp ứng nhu cầu, các vấn đề về phát triển và teo nang trứng có thể xảy ra.
Việc bổ sung vừa phải các hormone chống căng thẳng có thể giúp nang trứng phát triển tốt hơn. Đối với những người bị suy giảm chức năng buồng trứng và lượng trứng tồn kho thấp, việc bổ sung thực sự có thể làm giảm bớt vấn đề khó khăn trong việc phát triển nang trứng và giúp thu được nhiều trứng hơn trong giai đoạn điều trị sinh sản nhân tạo tiếp theo".
Khoai mỡ, bơ, đậu nành là những thực phẩm phổ biến có chứa các chất bổ sung DHEA. Hoặc y học có thể bổ sung trực tiếp hormone này không qua thực phẩm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Li Junyi nhắc nhở rằng hormone chống căng thẳng xét cho cùng cũng là chất nội tiết tố, trước khi sử dụng phải được bác sĩ đánh giá và chẩn đoán. Đặc biệt đối với những người bị u nang đa nang, u nang socola, lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung.
2. Thực phẩm giàu acid folic
Nhiều người sai lầm khi cho rằng chỉ bà bầu mới cần bổ sung acid folic. Tiến sĩ Li Junyi cho biết, đây là dưỡng chất quan trọng giúp thụ thai thành công. Liều lượng bổ sung được khuyến cáo là 400 mcg acid folic (hoặc tốt hơn nữa là folate - vitamin B9). Bất kể chị em ở tuổi nào cũng nên bắt đầu bổ sung chất này ngay khi bắt đầu cố gắng mang thai.
Báo cáo nghiên cứu về ảnh hưởng của acid folic đến sức khỏe sản phụ khoa tại Viện Sinh sản New Orleans (Mỹ) cho thấy bổ sung acid folic có lợi cho cải thiện sự rụng trứng không đều và giúp phôi phát triển sớm, hạn chế dị tật thai nhi.
Cải bó xôi là một trong những thực phẩm giàu acid folic tốt cho sức khỏe, khả năng thụ thai ở nữ giới (Ảnh minh họa)
Acid folic có thể được bổ sung bằng đường uống hoặc thực phẩm. Với thực phẩm, chất này có trong bơ, các loại hạt, củ cải, bông cải xanh, cải bó xôi, măng tây, mầm lúa mì, các loại đậu...
3. Thực phẩm chứa Coenzyme Q10
Tiến sĩ Li Junyi cho biết, Coenzyme Q10 là chất quan trọng trong nuôi trứng, cải thiện khả năng thụ thai. Đặc biệt là với phụ nữ lớn tuổi, hiếm muộn, từng sảy thai nhiều lần.
Bởi vì vốn Coenzyme Q10 có thể được sản xuất bởi tế bào của con người nhưng sẽ thường bị thiếu hụt bởi nhiều yếu tố. Chưa kể, theo tuổi tác, cơ thể không thể cung cấp đủ Coenzyme Q10 để tạo ra năng lượng cho tế bào nữa.
Bà nhắc nhở: "Coenzyme Q10 có thể bổ sung qua thực phẩm tự nhiên hoặc thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, hàm lượng chất này ở thực phẩm tự nhiên thường thấp hơn và tốc độ kích hoạt tế bào cũng chậm hơn. Còn liều lượng cần được tư vấn bởi chuyên gia y tế.
Với thực phẩm tự nhiên, chất này có trong: đậu nành, dầu ô liu, thịt bò, quả óc chó, cá nước lạnh như cá ngừ, cá hồi, cá thu, trong dầu thực vật... đều rất dễ bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày".
4. Thực phẩm giàu sắt
"Sắt là một chất rất quan trọng trong cơ thể con người. Quan trọng là sắt còn có những lợi ích cho các chị em phụ nữ, đây được coi là nguồn nuôi dưỡng buồng trứng quan trọng nhất. Thêm vào đó, mỗi tháng trong chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể người phụ nữ sẽ mất đi một lượng máu. Chính vì vậy, chị em phụ nữ cần bổ sung thêm chất sắt trong chế độ ăn uống hàng ngày, nhất là khi muốn mang thai" - Tiến sĩ Li Junyi nói.
Đặc biệt, bà nhấn mạnh rằng bổ sung sắt điều độ giúp làm giảm nguy cơ bị vô sinh do rụng trứng không theo chu kỳ. Nó cũng kích thích nang trứng hình thành do tác động tới tuyến giáp, tham gia vào quá trình hình thành tế bào phôi thai và giảm tỷ lệ sảy thai.
Một số thực phẩm giàu chất sắt có thể kể đến như các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng, ức gà, gan động vật, bí đỏ, rau cải bó xôi.
5. Vitamin D
Theo Tiến sĩ Li Junyi: "Vitamin D là vitamin tan trong chất béo, có tác dụng ảnh hưởng đến việc sản xuất estrogen và duy trì sự cân bằng hormone giới tính trong cơ thể, giúp làm dày nội mạc tử cung và tạo môi trường tốt hơn để nuôi dưỡng em bé. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã khẳng định vitamin D có thể cải thiện chức năng buồng trứng. Nó cũng được khuyên dùng để hỗ trợ điều trị buồng trứng đa nang hoặc suy giảm chức năng buồng trứng".
Bà đưa ra các thực phẩm giàu vitamin D trong tự nhiên có thể kể đến như: cá biển sâu (cá hồi, cá trích, cá mòi...), lòng đỏ trứng, sữa... Ngoài ra nên tắm nắng vừa phải, ít nhất 10 - 15 phút mỗi ngày để cơ thể được hấp thu vitamin D. Ngoài ra, chị em có thể cân nhắc bổ sung vitamin D qua đường uống, nhưng phải theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ Việt Nam
Nguồn: Health GVM, Women's Health, Sohu