Chế độ ăn của trẻ cần có sự thay đổi sau khi bước vào thời kỳ ăn dặm, đặc biệt là sau 1 tuổi.
Chăm sóc trẻ không hề dễ dàng, nhất là trong vấn đề ăn dặm, một sai sót nhỏ cũng có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm. Khi trẻ lớn dần, chế độ ăn cần thay đổi theo từng giai đoạn, đặc biệt là sau 1 tuổi nên cha mẹ cần chú ý.
1. Thức ăn chuyển dần từ mềm sang cứng
Trước 1 tuổi, trẻ chưa mọc nhiều răng, khả năng tiêu hóa kém, cần ăn thức ăn dạng mềm để dễ nhai, nuốt và tiêu hóa. Nhưng sau 1 tuổi, độ mềm và cứng của thức ăn phải thay đổi, nếu luôn cho trẻ ăn những thức ăn mềm, trẻ sẽ không thể rèn luyện khả năng nhai. Điều này khiến trẻ đã lớn nhưng vẫn không ăn được thức ăn dạng cứng, dễ nôn trớ, chậm lớn.
Hơn nữa, khả năng nhai kém còn ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, sau này trẻ có thể không phát âm được các từ một cách rõ ràng. Ngoài ra, nó còn khiến trẻ ăn chậm, kén ăn, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của lá lách và dạ dày.
Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyên cha mẹ nên đổi dần thức ăn từ dạng mềm sang cứng khi trẻ được 1 tuổi.
2. Thay đổi khẩu vị thức ăn
Sau khi trẻ được 1 tuổi, chúng có thể ăn được nhiều dạng thức ăn, nếu lúc này thức ăn không có vị gì cả sẽ dễ khiến trẻ biếng ăn.
Các bậc cha mẹ được khuyên rằng, sau khi con được 1 tuổi, có thể bổ sung một lượng nhỏ muối vào bữa ăn hằng ngày, lượng muối hàng ngày nên dưới 2g.
Sau khi thay đổi khẩu vị, trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn, hứng thú với mọi loại thức ăn và sau này không kén ăn nữa. Ăn uống đầy đủ cũng sẽ giúp trẻ phát triển tốt, cao lớn hơn.
Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý rằng việc thêm muối không có nghĩa là trẻ ăn cùng thức ăn với người lớn. Đồ ăn của người lớn thường chứa nhiều muối, tương đối cứng, không phù hợp với trẻ em. Vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên nấu riêng đồ ăn cho con cho tới năm 3 tuổi.
3. Tập trung vào việc ăn uống
Trẻ trước 1 tuổi chủ yếu uống sữa, chỉ cần uống đủ sữa có thể bổ sung thêm 1 hoặc 2 loại thức ăn bổ sung. Nhưng sau khi trẻ được 1 tuổi, cha mẹ phải thay đổi, để trẻ tập trung vào việc ăn uống hơn. Trẻ nên có 3 bữa ăn 1 ngày như người lớn. Chỉ bằng cách ăn uống này mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Nhưng hãy lưu ý rằng, việc trẻ bắt đầu tập trung vào việc ăn uống không có nghĩa là cắt sữa. Sau 1 tuổi, trẻ vẫn cần uống sữa bột, bổ sung thêm sữa tươi để hỗ trợ tối ưu các dưỡng chất cần thiết cho chiều cao và cân nặng.
4. Các loại thực phẩm nên đa dạng
Trước khi trẻ được 1 tuổi, bữa ăn của chúng thường ít và tương đối đơn giản. Sau khi trẻ được 1 tuổi, cần tăng cường đa dạng hóa thức ăn, tốt nhất mỗi ngày không dưới 10 loại thực phẩm. Lúc này, khẩu phần ăn của trẻ chủ yếu là thức ăn, lượng sữa giảm, nếu ăn ít cơ thể sẽ thiếu hụt dinh dưỡng.
Vì vậy, cha mẹ nên chú ý hơn đến việc thay đổi chế độ ăn cho trẻ để bữa ăn phong phú, ngon miệng và đủ dinh dưỡng.
5. Cho trẻ nhiều cơ hội thực hành hơn
Một số bậc cha mẹ đã quen cho con ăn, không để con tự xúc ăn, điều này không tốt. Sau khi trẻ được 1 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ nhiều cơ hội ăn bằng thìa và khuyến khích trẻ tự ăn.
Chỉ khi trẻ tự chủ động ăn uống, chúng mới ăn uống ngon miệng hơn. Ngược lại, nếu cha mẹ luôn cho trẻ ăn, nếu một ngày nào đó trẻ được tự ăn, chúng sẽ không muốn và không thể ăn ngon miệng.
Ngoài ra, việc tập cho trẻ tự ăn sớm còn có thể thúc đẩy sự phát triển trí não, cải thiện IQ, cha mẹ nên biết điều này sớm.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ số