Việc mắc bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ có thai không chỉ gây nên các biến chứng như thông thường mà còn làm tăng các nguy cơ đối với thai kỳ.
Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi đối tượng khác nhau, trong đó bao gồm cả những phụ nữ đang mang thai. Điều này thực sự gây ra nhiều lo lắng rằng có bầu mà bị sốt xuất huyết có sao không? Bởi mắc sốt xuất huyết trong giai đoạn này không chỉ có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng đến thai nhi.
1. Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây nên. Bệnh được truyền từ người mắc sốt xuất huyết sang người lành chủ yếu thông qua loài muỗi có tên Aedes aegypti. Thời gian ủ bệnh kể từ khi virus xâm nhập đến khi các triệu chứng đầu tiên của bệnh thường kéo dài từ 4-10 ngày.
Khi mới khởi phát, người bệnh thường có các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, chán ăn, nổi ban trên da. Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 3-7 sau khi khởi phát, người bệnh có thể bị chảy máu, suy tạng, sốc sốt xuất huyết... Từ ngày thứ 7-10 của bệnh thường được xem là giai đoạn hồi phục, các triệu chứng của bệnh thoái lui và bệnh có xu hướng tiến triển tốt cho đến khi khỏi hẳn.
Virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết có đến 4 chủng khác nhau, bao gồm DEN 1, DEN 2, DEN 3 và DEN 4. Mỗi chủng virus sau khi gây bệnh đều sẽ để lại miễn dịch suốt đời, do đó người bệnh sẽ không bị tái nhiễm chủng cũ. Tuy nhiên, các chủng virus khác chưa từng mắc trước đó vẫn có thể gây bệnh sốt xuất huyết lần 2, lần 3 hoặc thậm chí là lần 4 ở bệnh nhân.
Bà bầu bị sốt xuất huyết không phải là một tình trạng hiếm, nhất là vào các đợt bùng phát dịch hằng năm - Ảnh: Internet
2. Có bầu mà bị sốt xuất huyết có sao không?
Trong các đối tượng mắc sốt xuất huyết, nhóm đối tượng phụ nữ có bầu là những người thường được quan tâm đặc biệt. Vì khi mắc căn bệnh truyền nhiễm này, cả mẹ và thai nhi đều có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
2.1. Ảnh hưởng tới thai nhi
Theo các nghiên cứu đã được công bố, nếu người mẹ mắc sốt xuất huyết khi mang bầu có thể làm gia tăng nhiều nguy cơ khác nhau đối với thai như:
- Khi mang bầu bị sốt xuất huyết làm tăng tỷ lệ thai chết lưu gấp đôi so với bình thường. Trong những trường hợp nặng, nguy cơ này có thể tăng đến gấp 5 lần.
- Nguy cơ sinh non ở những bà bầu mắc bệnh sốt xuất huyết tăng gấp đôi so với bình thường.
2.2. Hậu quả đối với bà bầu
Khi các bà bầu mắc bệnh sốt xuất huyết, ngoài những mối nguy hiểm đến từ các biến chứng thông thường của bệnh mà còn phải đối mặt thêm với các biến chứng trong sản khoa như:
- Biến chứng xuất huyết do giảm tiểu cầu.
- Suy tạng, suy đa tạng hoặc sốc sốt xuất huyết.
- Tăng nguy cơ tiền sản giật, sản giật.
- Khó kiểm soát chảy máu khi có các hiện tượng nhau bong non, nhau tiền đạo...
- Dễ bị băng huyết sau sinh nếu mắc sốt xuất huyết vào giai đoạn chuyển dạ.
Có bầu mà mắc sốt xuất huyết sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi - Ảnh: Internet
3. Cách trị sốt xuất huyết ở phụ nữ có bầu
Do cơ địa của bà bầu thường nhạy cảm hơn nhiều so với những bệnh nhân thông thường, do đó vấn đề chăm sóc, điều trị bệnh nhân phải thận trọng hơn.
3.1. Chăm sóc bà bầu bị sốt xuất huyết
- Tăng cường nghỉ ngơi: Các bà bầu bị sốt xuất huyết cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn so với bình thường. Hiện tượng nhiễm siêu vi có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức cơ thể... Nghỉ ngơi sẽ giúp cải thiện phần nào các biểu hiện này.
- Dinh dưỡng đầy đủ: Khi bà bầu bị sốt xuất huyết cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng. Khi cơ thể đủ dưỡng chất sẽ giúp bệnh nhanh khỏi, thai nhi khoẻ mạnh và vẫn có thể phát triển bình thường.
Trong chế độ ăn, các bà bầu nên bổ sung các vitamin và khoáng chất. Những chất này có tác dụng đáng kể trong nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức bền thành mạch... từ đó giúp bệnh nhanh bình phục hơn.
3.2. Điều trị sốt xuất huyết ở bà bầu
Bà bầu mắc sốt xuất huyết cần được nhập viện để điều trị, người bệnh không được chủ quan tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
- Hạ sốt: Cũng giống với các trường hợp mắc sốt xuất huyết khác, thuốc hạ sốt chỉ được chỉ định cho những trường hợp người bệnh sốt cao trên 38,5 độ C, lạnh run. Còn với các trường hợp sốt nhẹ thì ưu tiên sử dụng các biện pháp hạ nhiệt độ vật lý như lau khăn ấm...
Theo các nghiên cứu đã chứng minh, sử dụng paracetamol để hạ sốt cho phụ nữ mang thai là an toàn, ít gây ra các tác dụng phụ đáng kể. Các loại thuốc hạ sốt khác như aspirin, ibuprofen... không được khuyến cáo sử dụng vì làm tăng nguy cơ chảy máu và tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh.
- Bù dịch: Các bà bầu cần được bù dịch theo đúng phác đồ hướng dẫn điều trị bệnh sốt xuất huyết. Trong đó ưu tiên sử dụng bù dịch bằng đường uống nếu người bệnh còn ăn uống được. Chỉ bù dịch bằng đường tĩnh mạch khi có các tình trạng nôn mửa quá nhiều, không ăn uống được, sốc hay suy đa tạng cần phải hồi sức tích cực...
4. Phòng tránh sốt xuất huyết khi có bầu
Khi mang bầu mà bị sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và con. Vì vậy, khi mang thai các bạn nên cẩn trọng và có những biện pháp phòng tránh bệnh để đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho cả mẹ và con:
- Loại bỏ các khu vực nước đọng xung quanh môi trường sống, thường xuyên thay nước bình hoa, bát kê chân tủ...
- Phun hóa chất diệt côn trùng trong và xung quanh nhà, nhất là ở các khu vực kín và ít ánh sáng.
- Nên ở trong nhà trong khoảng thời gian mặt trời mọc và mặt trời lặn vì đây là khoảng thời gian muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh nhất.
- Mặc quần áo dài tay, ngủ màn để phòng tránh muỗi đốt.
- Có thể sử dụng các loại kem bôi chống muỗi.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi có bầu mà bị sốt xuất huyết có sao không cùng với các vấn đề liên quan đến bệnh sốt xuất huyết khi mang thai. Để đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho cả mẹ và con, khi mắc sốt xuất huyết nên đến bệnh việc để được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ Việt Nam