Trẻ nhiễm trùng đường hô hấp trên, tiếp xúc thụ động khói thuốc lá có nguy cơ mắc viêm tai giữa cấp tính.
ThS.BS Phạm Đức Tuấn, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết viêm tai giữa cấp tính là biến chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên, phổ biến ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể do virus (virus hợp bào hô hấp, rhinovirus, virus cúm, adenovirus), vi khuẩn (streptococcus pneumoniae, haemophilus influenzae, moraxella catarrhalis) hoặc đồng nhiễm.
Triệu chứng của bệnh thường là đau tai hoặc trẻ kéo, giật, xoa tai, kèm theo biểu hiện sốt, khó chịu, kém ăn. Phụ huynh lưu ý các yếu tố nguy cơ viêm tai giữa cấp tính giúp bé giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên
Nhiễm trùng đường hô hấp trên phổ biến hơn vào thời điểm giao mùa như hè thu, thu đông. Nhà lạnh, ẩm ướt, ẩm mốc cũng làm tăng khả năng nhiễm trùng, viêm tai giữa. Những năm đầu đời, bé dễ bị viêm tai giữa do tiếp xúc với các mầm bệnh đường hô hấp.
Trẻ viêm mũi họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên làm tăng nguy cơ viêm tai giữa. Ảnh: Freepik
Phì đại vòm họng (tắc nghẽn)
Theo bác sĩ Đức Tuấn, phì đại vòm họng và viêm mũi dị ứng làm tăng nguy cơ viêm tai giữa. Bên cạnh đó, trẻ có các yếu tố di truyền như dị tật sọ mặt, hội chức Down, sứt môi... cũng nên lưu ý.
Tiếp xúc khói thuốc
Tiếp xúc thụ động với khói thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ mắc viêm tai giữa. Khói thuốc làm tăng khả năng nhiễm trùng, viêm phổi ở trẻ. Bên cạnh khói thuốc, trẻ tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí như oxit nitric có thể bị viêm tai giữa cao hơn.
Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ 6-24 tháng và trong thời tiết giao mùa, có khả năng tái phát cao. Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời làm giảm biến chứng, đạt hiệu quả tốt hơn. Tiêm phòng đầy đủ vaccine phế cầu khuẩn và cúm phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên cho trẻ. Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ vì sữa mẹ có chứa globulin miễn dịch giúp bảo vệ khỏi tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Lục Bảo (Vnexpress.net)