Trẻ bị ngã khi đi lại tưởng chừng là dấu hiệu rất bình thường trong giai đoạn tập đi nhưng nếu vượt quá độ tuổi nhất định, nó tiềm ẩn nguy cơ mà cha mẹ cần chú ý.
Trẻ bị ngã khi đi lại là một tình huống phổ biến mà trẻ nhỏ thường gặp khi đang tập đi hoặc mới bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. Thông thường việc trẻ bị té ngã không quá nghiêm trọng nhưng đôi khi có thể xảy ra những tình huống nguy hiểm.
Ở độ tuổi nào trẻ bị ngã khi đi lại là bình thường?
Tập đi là một quá trình đòi hỏi trẻ tập luyện liên tục, nó không phải là chuyện một sớm một chiều mà sau vô số lần vấp ngã, trẻ dần đứng vững và đi thuần thục.
Đặc biệt những trẻ ở giai đoạn chập chững biết đi, chúng thường đi loạng choạng, không vững, thường xuyên té ngã. Mặc dù cha mẹ cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy con mình bị ngã nhưng đây là điều rất bình thường và sẽ dần thuyên giảm sau khi trẻ đi được.
Theo thống kê, trẻ dưới 2 tuổi có thể ngã 17 lần/giờ nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong khi trẻ 2-3 tuổi có thể ngã ít hơn 10 lần/ngày mà không gặp vấn đề gì.
Theo Chung Anh - bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Shenzhen United Family (Thâm Quyến, Trung Quốc): "Nếu trẻ bắt đầu chập chững biết đi khi được khoảng 1 tuổi, việc đi loạng choạng và bị ngã là điều rất bình thường. Lúc này, nếu trẻ lập luyện liên tục sẽ dần làm chủ được khả năng thăng bằng, từ đó có thể tự đứng vững, hiếm khi bị ngã khi gần 15 tháng tuổi".
Nguyên nhân khiến trẻ bị ngã khi đi lại
Tuy nhiên, nếu trẻ 18 tháng tuổi vẫn chưa tự đi được và thường xuyên bị ngã khi tập đi, điều này có nghĩa là trẻ có bất thường trong quá trình phát triển, cần tới bệnh viện để kiểm tra.
Trẻ bị ngã khi đi lại có nhiều nguyên nhân gây ra.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể là những lý do dưới đây:
- Nếu trẻ chỉ biết đi muộn nhưng các khía cạnh khác như nói, tự xúc ăn, giao tiếp với người khác đều giống với trẻ cùng tuổi, điều này cho thấy trẻ chỉ có vấn đề về chậm phát triển khả năng vận động, có khoảng 90% trẻ rơi vào trường hợp này nên cha mẹ không cần phải quá lo lắng.
- Nếu trẻ biết đi muộn, chậm nói và không theo kịp các trẻ cùng tuổi về mọi mặt, tình trạng này được coi là chậm phát triển toàn diện, cần đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân, có thể liên quan tới vấn đề về phát triển trí não, bệnh chuyển hóa di truyền hay vấn đề về nhiễm sắc thể hoặc gen.
- Nếu trẻ không đi được, chân cứng, dáng đi như chiếc kéo, khi đi có người đỡ, ngón chân lúc nào cũng trong tư thế như chân múa ba lê, cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
- Nếu trẻ không biết đi, chân yếu, đó có thể là bệnh chuyển hóa di truyền hoặc bệnh thần kinh liên quan tới các khớp cơ.
Bên cạnh đó, nếu con bạn vẫn thường xuyên bị ngã sau khi đã đến một độ tuổi nhất định có thể do 2 nguyên nhân khác:
- Trẻ luôn bị ngã khi đi lại, đôi khi đó không phải là vấn đề của trẻ mà là do cách nuôi dạy của người lớn. Nguyên nhân phổ biến nhất là do cha mẹ cho con tập đi quá sớm. Có rất nhiều tác hại tiềm ẩn đối với việc trẻ biết đi quá sớm như ảnh hưởng đến sự phát triển của bàn chân và cột sống.
- Nếu trẻ thường xuyên bị ngã khi đi lại, có thể nó có liên quan tới trí thông minh thị giác. Đây là vấn đề liên quan tới mức độ nhận thức, độ nhạy của tầm nhìn với những thứ bên ngoài.
"Tầm nhìn" ở đây khác với những gì chúng ta gọi là "thị lực", không có nghĩa là thị lực của trẻ kém mà ám chỉ khả năng chuyển đổi giữa mặt phẳng ba chiều của trẻ, khả năng nhận biết các lớp và khả năng dự đoán tầm nhìn còn thiếu. Trẻ có vấn đề về tầm nhìn sẽ không thể ước tính chính xác kích thước, hình dạng và khoảng cách của các đồ vật trước mặt, điều này sẽ dẫn đến việc trẻ thường xuyên bị ngã khi đi lại.
Tóm lại, trẻ bị ngã khi đi lại trong giai đoạn tập đi, nếu vượt quá 18 tháng tuổi mà tình trạng không tiến triển, cha mẹ nên cân nhắc đưa con tới bệnh viện kiểm tra.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ Việt Nam