Không ít trẻ thường xuyên đòi hỏi, yêu cầu cha mẹ đáp ứng mọi nhu cầu của mình.
Nguyên nhân dẫn đến việc trẻ đua đòi là sự nuông chiều con của các phụ huynh. Ảnh minh họa.
Trẻ "hơn thua" khi nhìn thấy bạn bè xung quanh có món đồ này, món đồ kia. Lúc đó, tâm lý "đua đòi" xuất hiện ở trẻ.
Theo các chuyên gia, nếu đạt được điều mình muốn quá dễ dàng, trẻ sẽ nghĩ rằng, tất cả mọi người phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của mình. Từ đó, trẻ dễ có tâm lý đòi hỏi.
"Hơn thua" với bạn bè
Hầu hết phụ huynh đều muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Đặc biệt, khi xã hội ngày càng phát triển, công nghệ "lên ngôi", trẻ được tiếp cận nhiều thông tin trên mạng xã hội. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ có nhiều nhu cầu hơn về vật chất.
Việc trẻ mong muốn được cha mẹ mua đồ cho mình, hoặc đáp ứng một số sở thích là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, không ít trẻ thường xuyên đòi hỏi, yêu cầu cha mẹ đáp ứng mọi nhu cầu của mình.
"Rốt cục, điều tôi lo ngại rồi cũng đến khi cậu con trai lớn xin mẹ đổi cho chiếc điện thoại mới. Con nói muốn thay chiếc điện thoại đời cũ xấu xí. Lý lẽ cu cậu đưa ra là: Các bạn con bây giờ toàn dùng điện thoại thông minh. Ở lớp, chả mấy bạn còn dùng điện thoại xấu như con", anh Vũ Trọng Hùng - phụ huynh có con học lớp 8 (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Song, thực tế, tâm tư của anh Hùng cũng là "nỗi niềm" của không ít bậc cha mẹ. Chị Trần Hà Chi - phụ huynh có con học lớp 9 (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước Tết vừa rồi, con chị xin đổi xe đạp. Lý do cậu bé đưa ra là chiếc xe đạp đang đi đã trở nên thấp và không còn phù hợp với thể trạng cao lớn của con.
Lẽ ra, vợ chồng chị Hà Chi đã ngay lập tức chấp nhận yêu cầu chính đáng đó. Song, chị "giật mình" khi con nói thêm: Xe mới phải là loại thể thao, không có phanh, đúng trào lưu tuổi teen đang dùng và quan trọng là giống các bạn ở lớp con đang đi.
"Tôi nhận ra nhu cầu đổi xe của con do đua đòi là chính. Khi đó, tôi nhẹ nhàng giải thích cho con về sự thiếu an toàn khi sử dụng loại xe không có phanh ấy. Sau đó, tôi nói thêm rằng, việc sử dụng một vật dụng nào đó nên xuất phát từ nhu cầu của bản thân, thay vì để không thua kém bạn bè.
Ngay lúc đó, con ậm ừ nghe theo một cách miễn cưỡng. Tôi biết con không vui, nhưng nếu dễ dàng chiều theo trẻ, chắc chắn điều này sẽ thành thói quen. Khi đó, yêu cầu của thằng bé sẽ không dừng lại ở chiếc xe đạp", chị Chi tâm sự.
Nếu đạt được điều mình muốn quá dễ dàng, trẻ sẽ nghĩ rằng, tất cả mọi người phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của con. Ảnh minh họa.
Tạo thói quen của sự độc lập
Theo các chuyên gia tâm lý và xã hội, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc trẻ đua đòi là sự nuông chiều con của các phụ huynh.
Cha mẹ thương con, cái gì cũng chiều, ban đầu chỉ là ly sữa, cái kẹo... Song, dần dần, trẻ càng lớn hơn thì đòi hỏi cũng càng nhiều hơn. Trong khi đó, cha mẹ không biết tạo điểm dừng, dẫn đến trẻ trở nên đua đòi.
Thậm chí, trong một số trường hợp, tâm lý đua đòi ở trẻ cũng xuất phát từ chính việc cha mẹ muốn con mình hơn người khác. Không ít trẻ được cha mẹ mang ra để... khoe của. Cũng có phụ huynh không muốn con bị mặc cảm với bạn bè, nên bất chấp để "chạy đua".
Các chuyên gia cũng cho rằng, do ảnh hưởng của môi trường xung quanh nên trẻ em rất dễ bắt chước theo hành động của bạn bè hoặc người lớn. Do đó, muốn ngăn sự đua đòi ở trẻ, thì ý thức của người lớn trong gia đình cần phải thay đổi.
Người lớn trước hết cần điều chỉnh cách ứng xử của mình. Đồng thời, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia các phong trào Đoàn, Đội hay Học kỳ Quân đội. Từ đó, giúp trẻ ý thức được giá trị thực sự của cuộc sống.
Với những trẻ có đòi hỏi thái quá mà vẫn được đáp ứng, chúng sẽ bỏ lỡ nhiều điều hay của cuộc sống. Trẻ có thể sẽ không biết được niềm vui của thành quả, cảm giác "lâng lâng" khi quên mình vì người khác hoặc sự kiên nhẫn cần có để vượt qua các thử thách. Một cách vô tình, trẻ tự đánh mất đi các mối quan hệ của mình khi đưa ra những đòi hỏi vô lý.
Hậu quả là khi trưởng thành, những trẻ thường xuyên đòi hỏi sẽ ít có cơ hội thành công và được tôn trọng bằng những bạn bè "biết điều" hơn.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình, giáo dục con Phạm Hiền, không ít cha mẹ Việt chưa tạo cho con mình cái gốc của ý thức, chưa có thói quen tạo cho con sự độc lập. Đồng thời, chưa cho con hiểu rõ nét trách nhiệm của bản thân trẻ là gì. Trẻ cũng không ý thức được là mình phải thực hiện một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh có thói quen dễ dàng bao bọc, đáp ứng cho con. Vì vậy, khi sử dụng phần thưởng với những gì trẻ cần, điều đó cũng đồng nghĩa với việc dễ khiến con phát triển chệch hướng.
Nữ chuyên gia này đã chỉ ra những sai lầm mà nhiều cha mẹ vô tình tạo cho con văn hóa đòi hỏi. Ví dụ, không ít phụ huynh trao phần thưởng khi con làm được việc gì đó tốt hoặc hoàn thành nhiệm vụ nào đó. Song, vấn đề là cha mẹ áp dụng điều đó quá "vô tư". Điều đó có thể khiến trẻ dễ hình thành tư duy đòi hỏi. Khi đó, với bất kỳ việc gì cha mẹ cần con làm, chúng sẽ luôn mặc cả phải có thứ gì để trao đổi. Hoặc, khi làm việc gì, trẻ cũng sẽ mè nheo, mong muốn, ra điều kiện với cha mẹ.
Một số phụ huynh dùng phần thưởng hoặc lời hứa đáp ứng trong mọi việc của con từ ăn, tắm, học... Khi đó, cha mẹ có thể vô tình dạy cho trẻ về sự thiếu trách nhiệm từ khi còn nhỏ. Bởi, trong ý thức của con thì mọi thứ chúng làm luôn là để hỗ trợ cha mẹ. Do đó, không ít trường hợp trẻ sẵn sàng làm theo ý cha mẹ để đổi lấy một thứ gì đó. Sau khi đã đạt được mục đích, trẻ lại quay về tình trạng lười như cũ. Đó là vì trẻ không biết quý trọng giá trị của mọi thứ. Bởi, trẻ luôn nghĩ rằng, nếu muốn, mình sẽ có mọi thứ.
Cha mẹ không nên cho con văn hóa đòi hỏi. Ảnh minh họa.
Cho trẻ thứ con cần
Nhiều cha mẹ than phiền rằng, dù áp dụng việc trao phần thưởng cho con, nhưng chỉ được một thời gian, phương pháp này cũng mất tác dụng. Song, theo chuyên gia Phạm Hiền, các phụ huynh không biết rằng, nếu không xuất phát từ trách nhiệm, thì khó có nguyên tắc là lẽ bình thường.
Trong khi đó, ngày nay trẻ có cuộc sống quá đầy đủ và dễ được đáp ứng nhiều thứ khác. Bởi vậy, trẻ sẽ không có nhu cầu nhiều cho một thứ nào đó đến mức khát khao. Điều đó dẫn đến sự chệch hướng về tính cách của trẻ từ khi còn nhỏ.
"Hiện nay, văn hóa làm việc của người Việt ta phần lớn có tư tưởng phụ thuộc vào phần thưởng. Đồng thời, phụ thuộc vào việc phải được công nhận trong khi lẽ ra nhận tiền lương là phải có trách nhiệm cao để làm tốt theo nghĩa vụ được hưởng. Từ đó, nếu không có thì sẽ trở nên lười biếng, vô trách nhiệm theo kiểu làm thế thôi vì có được thêm gì đâu, cùng với đổ lỗi, hậm hực, bất mãn... Ngoài ra, còn rất nhiều sự đòi hỏi khác trong từng ngóc ngách cuộc sống", nữ chuyên gia chia sẻ.
Theo chuyên gia Phạm Hiền, nhiều trẻ hiện nay sống trong thế kỷ của sự toàn cầu hóa. Do đó, cha mẹ không nên sai lầm mà tạo cho con văn hóa đòi hỏi. Bởi, mỗi trẻ trong xã hội hiện đại luôn đứng giữa hai lằn ranh rất gần giữa việc đứng yên giữ mình và vượt ngưỡng cho phép. Tư duy "non nớt" của trẻ chưa đủ để nhận diện đúng - sai trong tiếp cận các thông tin, cuộc sống ảo, cũng như con người. Trong khi đó, trẻ chỉ biết rằng, làm sao để thỏa mãn bản thân, thể hiện được mình, trở nên nổi trội. Do đó, điều quan trọng là gia đình cần trở thành tấm gương để con có tư duy tích cực.
Ông Trần Quốc Phúc - Chủ tịch Richser Academy (Học viện Giàu có & Nhân ái), Chủ tịch Công ty Cổ phần Cho bạn cho con CBCC, chuyên gia dạy con trẻ thành công và hạnh phúc trọn vẹn - cho biết: "Khi được nhận nhiều sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, mọi người, trẻ có biết đó là một món quà không hay chỉ coi đó là điều bình thường? Khi cha mẹ quá nuông chiều con, trẻ sẽ cảm thấy đó là trách nhiệm mà phụ huynh phải làm".
Cũng theo chuyên gia này, dần dần, trẻ sẽ trở nên ích kỷ, vô ơn, luôn cảm thấy thiếu và đổ lỗi nếu cha mẹ không đáp ứng mọi nhu cầu của mình. Nếu đạt được điều mình muốn quá dễ dàng, trẻ sẽ nghĩ rằng, tất cả mọi người phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của con. Do đó, ông Trần Quốc Phúc nhấn mạnh, cha mẹ hãy cho trẻ thứ con cần, chứ không phải mọi thứ con muốn.
"Cái trẻ cần là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, như ăn uống, mặc, học tập... Thứ con muốn là những thứ có cũng được, không cũng được.
Để con đạt được điều mình muốn, cha mẹ phải để trẻ hiểu rằng: Muốn ăn, phải lăn vào bếp. Chính con phải nỗ lực để đạt điều đó, chứ không phải cha mẹ hay thế giới ngoài kia có trách nhiệm cung phụng", chuyên gia chia sẻ.
Do đó, cha mẹ ngoài việc thương, còn cần giáo dục cho trẻ những thứ để con trưởng thành, hạnh phúc sau này. Điều quan trọng đó là dạy trẻ về lòng biết ơn cũng như thực hành lòng biết ơn. Khi đó, trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi đón nhận món quà tuyệt vời.
Theo Afamily.vn
Theo Giáo dục và thời đại