Với tôi, Trung thu qua đi bao mùa trăng cũng là bấy nhiêu kỷ niệm ấu thơ xâu chuỗi thành vòng tròn lấp lánh.
Ảnh minh họa/ITN
Buổi tối, trước ánh điện cửa gương, tôi nhìn dòng người nườm nượp trôi trên phố. Phố thì đông nhưng lòng tôi trống rỗng, cơn gió Thu cứ mơn man bàn tay. Bất giác, ngước lên nhìn bầu trời, mảnh trăng lưỡi liềm đầu tháng, trăng một nửa đợi tới Trung thu tròn đầy.
Với tôi, Trung thu qua đi bao mùa trăng cũng là bấy nhiêu kỷ niệm ấu thơ xâu chuỗi thành vòng tròn lấp lánh. Để bây giờ, mỗi khi đến dịp Tết Trung thu, tôi được đắm mình vào những nghĩ suy hồn nhiên, trong trẻo, vô lo, vô nghĩ; như vầng trăng tròn thắp sáng cả một miền cổ tích trong câu chuyện mẹ kể hằng đêm.
Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm. Có khi không phải nhà tôi mà cả làng đều nghèo như vậy. Người ta chẳng cần đến khóa cửa bởi đâu có của nả gì mà trộm. Ranh giới nhà này cách nhà kia bằng hàng rào có giậu mồng tơi. Bà nội tôi thường ngồi bên hiên vá áo cho bà và đàn cháu.
Chúng tôi nghịch ngợm, áo rách đã đành. Chiếc áo của bà, vết vá còn nhiều hơn áo vải. Nghèo vật chất là vậy nhưng dân làng thương nhau bằng tình làng nghĩa xóm. Trẻ con quần tụ bên nhau bởi những đêm trăng tròn.
Mẹ tôi bảo, Trung thu là ngày trăng sáng nhất trong năm, người dân ăn mừng lúa mới, trẻ con rước đèn đến cung trăng. Trên cung trăng có chị Hằng Nga mặc xiêm y lộng lẫy, có chú Cuội hay nói dối, mặc trâu ăn lúa, chú thảnh thơi ngồi gốc cây đa ca hát.
Trăng rong chơi quá xa để ngước nhìn lên bầu trời nó chỉ bằng một chiếc đĩa nhỏ. Nhưng việc rước đèn khiến tôi hào hứng lắm! Quê tôi ngày ấy các hàng quán không bày bán nhiều kẹo, bánh như bây giờ nhưng đầu tháng Tám âm lịch là lũ trẻ chúng tôi đã xòe bàn tay nhẩm tính từng ngày đến Tết Trung thu để được thoải mái vui chơi, nô đùa, hò hét inh ỏi.
Ảnh minh họa/ITN.
Từ buổi sáng, mẹ mua cho anh em tôi mỗi đứa một chiếc đèn ông sao năm cánh xanh đỏ. Có năm mẹ hết tiền, ba anh em chơi chung. Anh trai tôi khéo tay, làm đèn lồng từ chiếc vỏ hộp ống bơ sữa, trang trí xung quanh, thắp ngọn nến nhỏ trong đèn, vậy mà hào hứng và rộn ràng đến lạ.
Mới 4 giờ chiều, anh em tôi cứ ra ngó vào trông, chỉ mong trời nhanh tối để kéo nhau đi rước đèn. Mẹ nhắc chúng tôi tắm rửa, ăn cơm thật sớm. Trời sâm sẩm tối, chúng tôi ùa ra sân kho hợp tác.
Trong khi đợi người lớn ra vào tấp nập chuẩn bị cho đêm hội, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau chơi đủ thứ trò: Kéo co, trốn tìm, đánh trận giả, bịt mắt bắt dê, … và biết bao trò tinh nghịch khác.
Tôi chơi ham tới đâu, cũng để dành ánh mắt ngước nhìn về phía sân kho, nơi đêm hội rộn ràng, bà con cùng các bạn nhỏ đang tấp nập ở đó.
Hồi hộp, kịch tính nhất là trò chơi ú tim. Thằng Minh nhắm mắt đếm từ 5 rồi 10 cho tới 100 mới mở mắt đi tìm. Tôi cùng mấy đứa dáo dác chạy tản ra các hướng. Đứa nào trốn kỹ mà không bị phát hiện là giành phần thắng.
Đợi thằng Minh đi lạc phía tôi trốn, tôi chạy ra hét toáng lên “mô tê!” và đắc chí vì nó không tìm thấy. Trò chơi cứ thế mà vui cười, đến khi tiếng trống múa lân tùng tùng cất lên, chúng tôi quên tìm nhau mà theo đoàn rước lân nhảy tưng tưng trên sân kho mà rước những chiếc đèn mờ tỏ.
Dưới ánh trăng bàng bạc, chúng tôi mải mê chơi, quên cả thời gian, mồ hôi thấm lan lưng áo. Đứa nào đứa nấy nối đuôi nhau thành hàng dài hát vang bài ca: “Thùng thà thùng thình trống rộn ràng ngoài đình/ Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh/ Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng…”.
Ảnh minh họa/ITN.
Tiếng hát bay cao, bay xa chạm ánh trăng trong veo trên đầu ngọn tre. Chúng tôi xếp hàng ngay ngắn để đón nhận quà. Quà Trung thu là hoa quả “cây nhà lá vườn” như: Bưởi, khế, chuối, ổi, thị, na, hồng… được các gia đình tự nguyện ủng hộ cho trẻ em thôn. Ngoài ra còn có bánh quy, kẹo bon bon, kẹo gôm để phát cho từng đứa trẻ, mùi thơm từ bánh, kẹo khiến chúng tôi chảy cả nước miếng.
Chờ trăng lên cao và tròn vành vạnh, bọn trẻ chúng tôi thi nhau phá cỗ rồi cùng ngắm trăng và nghe người lớn kể những câu chuyện dân gian về chị Hằng, chú Cuội.
Sau một hồi tạm nghỉ, tiếng trống múa lân lại tiếp tục giòn giã thúc giục, bọn trẻ cầm đèn ông sao chạy bám theo đội múa lân đi khắp đầu làng cuối xóm, nghe hạnh phúc lan xa, nghe những vị kẹo vẫn ngọt tan nơi đầu lưỡi.
Càng về khuya, trăng tròn càng sáng vằng vặc, tiếng trống rộn rã xen lẫn tiếng cười nói xôn xao dưới ánh đèn ông sao lấp lánh.
Thấm thoát đã mấy chục mùa trăng trôi qua, tôi giờ đây đã không còn là đứa trẻ như ngày nào nữa. Thời đại 4.0, chỉ đến ngày Tết Trung thu, các em mới được tụ tập rước những chiếc đèn ông sao thật to, đủ kiểu cách, kích cỡ, màu sắc… phát sáng bằng pin, điện.
Trẻ em thành phố tha hồ thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả đắt tiền được bố mẹ mua ở siêu thị và xem những điệu múa lân uyển chuyển đến từng số nhà, dãy phố. Trung thu nay đủ đầy mà lòng tôi bỗng thiếu, thèm khát được trở về đêm hội rước đèn - miền ký ức ngày xưa.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn/nho-dem-hoi-ruoc-den-post654909.html