Chủ trương xã hội hóa (XHH) giáo dục đang ngày càng phát huy hiệu quả trong khai thác và phát huy được tiềm năng của toàn xã hội cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), góp phần xây dựng trường, lớp ngày càng khang trang, sạch, đẹp, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu đến trường học tập và rèn luyện. Đi đôi với sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh, địa phương, XHH đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.
Xã hội hóa đã góp phần quan trọng giúp Trường Mầm non số 1 Đakrông từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất, phục vụ tốt cho công tác dạy và học - Ảnh: T.L
Năm học 2023-2024, Trường Mầm non số 1 Đakrông, xã Đakrông, huyện Đakrông có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ với có 279 cháu, phân bố ở 14 nhóm, lớp, trong đó số cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%.
Là một trường nằm ở địa bàn vùng khó nên công tác XHH đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại nhà trường, tạo thêm điều kiện để đơn vị thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 Đakrông Trần Thị Thu cho biết: “Là một địa bàn vùng khó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, từ nguồn XHH trên địa bàn đã góp phần giúp trường từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; hỗ trợ kinh phí ăn trưa, sữa đậu nành cho các cháu; xây dựng sân chơi ngoài trời, công trình nước sạch, xây dựng bồn rửa tay...
Cùng với đó, vào đầu năm học mới, nhờ sự hỗ trợ các nhà hảo tâm, các cháu trong trường cũng nhận được bánh kẹo, quần áo... Đây là nguồn động viên lớn để chúng tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trồng người trên vùng đất khó. Đối với phụ huynh, đồng bào vùng cao càng yên tâm hơn khi gửi con em tới trường”.
Để nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm để bổ sung quỹ đất dành cho phát triển giáo dục, ưu tiên bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng các cơ sở tư thục trên địa bàn đảm bảo lộ trình phát triển dân cư và KT-XH về lâu dài.
Công tác huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho GD&ĐT trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ tích cực cho ngành GD&ĐT trong việc xây dựng cơ sở vật chất (CSVC), bổ sung trang thiết bị dạy học, hỗ trợ các điều kiện tổ chức bán trú, tổ chức trao học bổng, tặng sách, vở, áo, quần... cho học sinh.
Cùng với đó, các cơ sở GDMN đã làm tốt công tác tham mưu, tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển cho GD&ĐT để thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời, chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GDMN tại địa phương.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện đổi mới nội dung chương trình, phương pháp GDMN trong các cơ sở GDMN có điều kiện, cơ hội tiếp cận và hội nhập...
Theo thống kê, nguồn vốn đầu tư của các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2023 khoảng trên 500 tỉ đồng, riêng trong năm 2023 các cơ sở ngoài công lập đã đầu tư khoảng 180 tỉ đồng.
Đối với phát triển cơ sở GDMN ngoài công lập, đến cuối năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 18 trường mầm non tư thục; có 121 cơ sở GDMN độc lập.
Nhờ thực hiện tốt công tác huy động tài trợ, từ năm 2011-2023, ngành GD&ĐT đã huy động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài với nguồn kinh phí hằng năm khoảng 20 tỉ đồng, huy động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước với nguồn kinh phí khoảng 30 tỉ đồng.
Sự góp sức của các nhà tài trợ đã góp phần tăng cường CSVC, trang thiết bị dạy học, hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, cấp học bổng cho học sinh..., từ đó góp phần giúp ngành GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời thực hiện tốt chủ trương XHH giáo dục.
Ngành GD&ĐT cũng thực hiện rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDMN theo hướng không tiếp tục phát triển mở rộng các cơ sở giáo dục công lập mà cần đầu tư có trọng điểm, dành ngân sách nhà nước cho các khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc một số cơ sở giáo dục trọng điểm. Chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập.
Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế quản lý đối với các cơ sở GDMN công lập; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực GD&ĐT theo cơ chế thị trường. Đổi mới cơ cấu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tăng đầu tư để bảo đảm CSVC các cơ sở GDMN, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDMN để từng bước tăng nguồn thu đảm bảo chi thường xuyên.
Tỉnh còn quan tâm bố trí quỹ đất dành cho giáo dục, chú trọng bảo đảm giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư; hỗ trợ tái định cư dự án XHH theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý nhanh chóng, kịp thời các kiến nghị của nhà đầu tư.
Đồng thời, bố trí ngân sách nhà nước lồng ghép với các chương trình dự án như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực được XHH để đầu tư CSVC, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục.
Đến năm 2023, toàn tỉnh có 18 cơ sở GDMN ngoài công lập và 121 nhóm lớp độc lập, tư thục. Tổng quỹ đất bố trí đã cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập khoảng 78.159 m2 và ngày càng có nhiều hơn những người dân hiến đất để xây dựng trường học.
Có giải pháp cụ thể hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ vốn đầu tư CSVC, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tài chính, tổ chức bồi dưỡng quản lý, chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập từ nguồn ngân sách địa phương, phù hợp với khả năng huy động của ngân sách và điều kiện phát triển KT-XH của địa phương.
GDMN là bậc học nền tảng đầu tiên trong hệ thống giáo dục, nếu chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non tốt sẽ có tác động đến chất lượng giáo dục ở bậc học tiếp theo.
XHH trong GDMN thực sự là một chủ trương đúng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới.
Nguồn https://baoquangtri.vn/xa-hoi/xa-hoi-hoa-de-nang-cao-chat-luong-pho-cap-giao-duc-mam-non/179897.htm