Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo lo ngại việc đưa GVMN vào ngành nghề độc hại nếu không giải thích cụ thể có thể gây khó khăn trong tuyển dụng.
Trước xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề độc hại của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội nhiều cán bộ giáo dục đều ủng hộ, nhất trí. Theo đó, việc này giúp các thầy cô có thêm nguồn phụ cấp, chế độ ưu đãi để trang trải cuộc sống, gắn bó với nghề.
Tuy nhiên, đại diện một số Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng lo ngại rằng nếu không giải thích rõ các yếu tố nặng nhọc, độc hại có thể gây khó khăn trong tuyển dụng giáo viên sau này.
Trao đổi với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), cô Bùi Thị Hồng Anh cho biết việc đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại để san sẻ khó khăn với các thầy cô là phù hợp.
Giáo viên Trường mầm non Tu Lý B (Huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đang hướng dẫn trẻ đọc truyện. Ảnh: Trường mầm non Tu Lý B.
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, độ tuổi trẻ đi học đều rất nhỏ, chưa có ý thức hay tính tự giác nên các thầy cô đều vừa phải dạy học vừa phải dỗ dành, chăm sóc. Trong trường hợp trẻ ốm đau, giáo viên cũng giống người mẹ đều phải theo dõi, bón cơm, cho uống thuốc, bế ru ngủ...
Ngoài ra các cô mầm non cũng phải làm việc hơn 8 tiếng/ngày do sáng đến sớm nhận gửi trẻ, chiều về muộn so với giờ quy định do chờ phụ huynh đón trẻ. Thêm nữa, trẻ đều ở lại ăn bán trú nên giáo viên mầm non đều phân công ở lại trông trưa.
Về bệnh nghề nghiệp giống như ở các cấp bậc khác, đa số các cô đều có những bệnh như viêm họng, khản tiếng... Trước đây việc sử dụng phấn bảng nhiều gây ra các bệnh hô hấp nhưng hiện nay với chương trình mới, giảng dạy bằng bài giảng điện tử đã đỡ hại sức khỏe hơn.
Tuy nhiên riêng ở mầm non, các cô có thể bị các bệnh về thính lực do trẻ đều đang ở độ tuổi hiếu động, nhạy cảm nên không gian học tập thường ồn ào, thậm chí là ô nhiễm tiếng ồn. Thêm nữa, giáo viên mầm non đều tham gia hoạt động múa, hát, vận động thường xuyên với trẻ nên phải có sức khỏe nhất định thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Khi đưa giáo viên vào ngành nghề độc hại, giáo viên mầm non sẽ có thêm ngày nghỉ phép hơn so với những ngành nghề bình thường. Điều này cũng là cách động viên tinh thần giúp các cô yên tâm nghỉ ngơi dưỡng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên cô Hồng Anh cũng cho biết các trường trên địa bàn đều vừa đủ nhân sự, nếu giáo viên nghỉ ốm sẽ không có giáo viên làm thay, do đó rất ít các thầy cô dùng đến ngày phép nghỉ ốm.
Vị Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào cũng thông tin việc đưa vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại cũng có thể ảnh hưởng đến tuyển dụng giáo viên nếu không có giải thích rõ ràng. Theo đó, tâm lý của phụ huynh, học sinh quan ngại khi lựa chọn các ngành nghề độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người, sinh sản... Do đó, cần có những văn bản giải thích cụ thể mức độ nặng nhọc, độc hại và ở phương diện nào tránh gây hoang mang cho người học.
Ngoài ra, cô cũng mong các ban ngành xem xét tăng phụ cấp, lương để giáo viên có mức lương ổn định hơn, đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác.
Chia sẻ về những vất vả của giáo viên mầm non, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), thầy Ma Thế Trung cho biết công việc của giáo viên mầm non tiềm ẩn rủi ro, đặc thù là sự nguy hiểm. Bởi lẽ đối tượng đều là các em nhỏ, chỉ cần sơ sẩy là gây hậu quả rất lớn.
Chưa kể độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non hiện nay là 60 tuổi. Với độ tuổi này giáo viên sẽ có phần hạn chế trong vấn đề sức khỏe như xương khớp, thể lực... khi tham gia các hoạt động như nhảy, múa, ngoại khóa. Nếu đưa vào ngành nghề độc hại, các cô có thể nghỉ hưu ở tuổi 55, tuy nhiên nếu được nên để giáo viên nghỉ hưu sớm hơn.
Với các cấp học khác, học sinh đã nhận thức và tự ý thức, có thể với học sinh lớp 1 cần sự hỗ trợ nhưng với học sinh từ lớp 2 trở lên đều tự biết chăm sóc bản thân, do đó các thầy cô chủ yếu đóng vai trò hướng dẫn, giảng dạy. Nhưng với trẻ mầm non tất cả các hoạt động đều phụ thuộc vào giáo viên.
Giáo viên Trường Mầm non Lý Bôn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) hướng dẫn trẻ học tập. Ảnh: Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm.
Ngoài ra, thầy Trung cũng cho biết cần có những văn bản giải thích đính kèm khi đưa giáo viên vào ngành nghề độc hại. Theo đó, giáo viên mầm non không phải ngành nghề độc hại theo hướng tiếp xúc trực tiếp với các chất hóa học ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân, hay di truyền đến đời sau...
Trong trường hợp công tác tuyên truyền không tốt sẽ khiến nhiều người e ngại mà không dám đăng ký học hay làm nghề. Ngược lại nếu làm tốt nội dung giải trình sẽ là một chính sách để động viên các thầy cô yên tâm công tác.
Thầy Trung cũng thông tin thêm huyện nằm ở vùng sâu vùng xa nên luôn thiếu giáo viên mầm non, nguồn tuyển giáo viên địa phương ít, chủ yếu là giáo viên đến công tác. Khi hết thời hạn công tác các thầy cô lại chuyển sang vùng khác, các trường lại tiếp tục vòng lặp tuyển dụng.
Với chính sách cắt giảm 10% biên chế hiện nay, số trẻ đông lên nhưng định lượng biên chế lại giảm đi, Phòng Giáo dục và Đào tạo đều phải tìm mọi nguồn để làm hợp đồng để tuyển giáo viên. Chưa kể đa số nhân lực đều làm tạm thời nên nếu công tác quản lý không sát sao thì chất lượng cũng khó đảm bảo.
Trước tình hình này, thầy Trung cũng mong muốn xây dựng mức lương khởi điểm cho giáo viên mầm non tốt nghiệp Cao đẳng sẽ khởi sắc hơn. Trong trường hợp các cô đi công tác ở xa nhà phải thuê trọ, chi phí dịch vụ đắt đỏ không đảm bảo được đời sống. Với mức lương ưu đãi hơn có thể thu hút thêm giáo viên về giỏi dạy học, đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các trường cũng như giảm bớt khối lượng công việc liên quan đến tuyển dụng.
Nguồn https://giaoduc.net.vn/can-phan-tich-ro-tinh-doc-hai-cua-gvmn-tranh-kho-khan-trong-tuyen-dung-post237293.gd