Giao tiếp với trẻ khiếm thính nói chung, với trẻ điếc nói riêng như thế nào?
Mặc dù không nghe được hoặc nghe không hết nhưng trẻ khiếm thính cũng như trẻ điếc rất muốn giao tiếp với mọi người xung quanh. Đây là điều thuận lợi. Giao tiếp là quá trình trao đổi suy nghĩ, trao đổi thông tin giữa người này với người khác qua phương tiện là ngôn ngữ nói và những phương tiện khác. Vì vậy, muốn giao tiếp với trẻ điếc ta phải hiểu trẻ muốn gì, suy nghĩ gì. Trẻ điếc mặc dù không có tiếng nói, nhưng ở trẻ lại rất phát triển khả năng diễn đạt bằng cử chỉ, điệu bộ, nét mặt… Trẻ có thể biểu hiện mọi nhu cầu, ý muốn của mình thông qua những phương tiện gọi là ngôn ngữ không lời. Cho nên, muốn giao tiếp được với trẻ cần hiểu những ngôn ngữ không lời đó. Mọi người, nhất là những người thân trong gia đình, bạn bè gần gũi sẽ rất hiểu trẻ nếu thường xuyên giao tiếp với trẻ.
Chúng ta nên lưu ý là ở lứa tuổi nhỏ, trẻ điếc cũng cần hiểu và biết cách sử dụng ngôn ngữ nói. Do đó, khi giao tiếp với trẻ chúng ta cần dùng ngôn ngữ nói thường xuyên. Tránh quan điểm cho rằng trẻ không nghe, không hiểu được nên không bao giừo nói chuyện với trẻ, khi cần giao tiếp chỉ cần ra hiệu là đủ.
Điều này sẽ khiến trẻ không hiểu và sử dụng ngôn ngữ nói, khi đến trường học chung với các bạn các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khả năng rất phát triển ở trẻ điếc là khả năng hiểu ngôn ngữ qua hình miệng của người nói.
Tóm lại trong giao tiếp với mọi người, trẻ điếc:
• Đã tiếp thu bằng nghe những điều có thể nghe được và chủ yếu là nhìn hình miệng người nói cùng với thái độ, cử chỉ của người đối thoại.
• Đã thể hiện ý kiến, suy nghĩ của mình bằng cử chỉ, điệu bộ cộng thêm với ngôn ngữ nói ít ỏi của mình.
(Tư liệu)