Mùa Hè có thể được xem là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong năm cho sự phát triển khỏe mạnh và năng động của trẻ.
Hoạt động thể chất giúp cải thiện thể lực trẻ. Ảnh minh họa.
Nhưng nhiều bậc cha mẹ, hoặc do quá bận bịu, hoặc do quá kỳ vọng vào con, đã ép con vào một lịch học sát sao, tước đi quyền được nghỉ hè của trẻ.
Trẻ nhỏ đang trong thời điểm phát triển hoạt động đi và chạy tốt. Do đó, cha mẹ cần bảo đảm tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành và xây dựng các kỹ năng này thông qua vận động và vui chơi, đặc biệt là vào kỳ nghỉ hè.
Thời gian gia đình bên nhau
Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia Mỹ đã đưa ra các bằng chứng nhấn mạnh về vai trò của mùa Hè trong sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Song, những năm gần đây, mùa Hè của trẻ có thể bị “đánh cắp” khỏi các buổi tắm biển, các trò chơi vận động ngoài trời… Bởi, trẻ có xu hướng thu mình trong nhà với đầy rẫy cám dỗ của màn hình điện tử.
Thực tế, hè không chỉ là thời gian vận động vui chơi, mà còn là lúc để trẻ cảm thấy được nhiều gắn kết với các hoạt động gia đình.
Do đó, việc cha mẹ tạo ra những ngày hè thú vị và lợi ích đối với thể chất của trẻ là vô cùng quan trọng.
Các chuyên gia cho rằng, trẻ nên vận động dưới ánh nắng Mặt trời, hoạt động thể chất vào những giờ thích hợp để phát triển tốt hơn. Đồng thời, dinh dưỡng, bữa ăn cũng có thể ảnh hưởng tới các hoạt động này.
Bất lợi của ngày hè bị “giam cầm” là trẻ dễ mất động lực trong tham gia vui chơi. Thay vào đó, trẻ thường chọn các hoạt động kém lành mạnh và thụ động như nằm xem tivi, chơi điện thoại, iPad. Do đó, cha mẹ nên thiết lập lịch xem thiết bị màn hình cụ thể cho trẻ nếu có, các hoạt động vui chơi, giao tiếp và ăn ngủ hợp lý.
Tại một số quốc gia có nền giáo dục phát triển như Ðức, Hà Lan, Australia... hầu như phụ huynh không cảm thấy mùa Hè là khoảng thời gian áp lực trong việc trông con.
Ngược lại, họ xem đó là dịp để cha mẹ và con quây quần. Nhiều gia đình thường tổ chức các chuyến dã ngoại kết hợp với cắm trại để vừa được thư giãn, vừa có cơ hội dạy trẻ một số kỹ năng cơ bản. Trong những chuyến dã ngoại như vậy, phụ huynh sẽ phân công trẻ làm những phần việc nhất định phù hợp khả năng. Ðó là cách để trẻ có trách nhiệm với công việc và ngày càng trưởng thành hơn.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, ở lứa tuổi thiếu nhi và thanh, thiếu niên, trẻ thường hiếu kỳ, thích khám phá thế giới xung quanh. Do đó, việc thay đổi không gian sống, dù trong thời gian ngắn của những ngày hè, vẫn có thể giúp trẻ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích.
Đôi khi chỉ cần khuyến khích trẻ tham gia hoạt động xã hội tại địa phương hoặc đưa trẻ về quê thăm ông bà, họ hàng vài ngày cũng là cách giúp con có những trải nghiệm lý thú. Việc thay đổi môi trường là điều kiện để trẻ học hỏi về nếp sống, tăng cường giao tiếp, mở rộng kiến thức văn hóa, trau dồi vốn ngôn ngữ... Những trải nghiệm như vậy sẽ trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong hành trang cuộc đời của các em.
Bóng rổ có thể giúp trẻ phát triển chiều cao. Ảnh: INT.
Hoạt động theo lứa tuổi
Theo giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), với trẻ từ 1 - 3 tuổi, các bé nên hoạt động thể chất ít nhất 3 giờ mỗi ngày. Trong đó, bao gồm hoạt động thể chất có cấu trúc (được người lớn hướng dẫn) và hoạt động thể chất tự do (trẻ tự vui chơi mà không cần hướng dẫn).
Trẻ ở độ tuổi này đang trong thời điểm phát triển hoạt động đi và chạy tốt. Do đó, cha mẹ cần đảm bảo tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành và xây dựng các kỹ năng này thông qua vận động và vui chơi.
“Trong ngày hè, cha mẹ có thể cho trẻ chơi những trò như vượt chướng ngại vật. Phụ huynh có thể đặt những chướng ngại vật trong nhà hoặc ngoài sân như tấm đệm, thùng carton… Người lớn có thể ngồi trên mặt đất và để trẻ bước/nhảy qua hai chân, hoặc làm cầu bằng thân mình và để trẻ chui xuống dưới…
Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cũng có thể chơi trò giả vờ. Trẻ nhỏ rất thích động vật, nên cha mẹ có thể đố trẻ bật nhảy như ếch, đi bộ như chim cánh cụt, chạy phi nước đại như ngựa…”, nữ giáo viên gợi ý.
Trong khi đó, hoạt động chơi với cát giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động tinh của đôi bàn tay hiệu quả. Nhảy múa theo điệu nhạc hoặc vẽ vời, múa rối cũng khiến trẻ hứng thú. Trẻ cũng có thể chơi các môn thể thao phát triển sức khỏe, sức bền và sự thăng bằng.
Trẻ 2 tuổi có thể thích đá bóng, nhảy tại chỗ, còn trẻ 3 tuổi có thể luyện tập giữ thăng bằng bằng 1 chân, tung và bắt bóng, đạp xe 3 bánh…
Với trẻ mẫu giáo (từ 3 - 5 tuổi), cô Mai Chi cho rằng, lứa tuổi này được khuyến nghị hoạt động thể chất ít nhất ba giờ mỗi ngày. Trong đó, có ít nhất 1 giờ chơi tự do tràn đầy năng lượng với các hoạt động không cần người lớn hướng dẫn. Ở tuổi này, các kỹ năng thể chất cơ bản như chạy, nhảy, đá và ném đã trở nên rất quen thuộc với trẻ. Các bé sẽ tiếp tục hoàn thiện để học những kỹ năng phức tạp hơn.
Cha mẹ nên tận dụng xu hướng hiếu động tự nhiên của trẻ ở lứa tuổi này để tạo những hoạt động thể chất thường xuyên, thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng sự tự tin cho trẻ như: Nhảy lò cò, nhảy tiến về trước/lùi về sau, giữ thăng bằng 1 chân, bắt bóng, nhào lộn…; Bơi lội, nhảy múa, đi xe ba bánh… Trẻ mẫu giáo có thể hoạt động thể chất tích cực ngay cả khi chỉ ở trong nhà. Nếu có điều kiện, cha mẹ nên có một khu vực vui chơi an toàn để trẻ thỏa thích vận động.
“Phụ huynh nên chú ý tới một số ‘chìa khóa’ giúp dễ dàng hơn trong việc khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể chất. Trước hết, các cha mẹ cần tập trung vào niềm vui. Trẻ nhỏ sẽ không làm điều gì đó mà không có sự thích thú.
Vậy nên, cha mẹ cần dành thời gian cho những hoạt động vui vẻ, nhiều năng lượng tích cực. Ví dụ, trẻ sẽ không thích nếu cha mẹ chỉ cho đi bộ 1 vòng thể dục xung quanh. Tuy nhiên, nếu được đi bộ qua công viên, dừng lại để khám phá thiên nhiên và cây cỏ, thì chuyến đi bộ sẽ hấp dẫn hơn nhiều”, cô Chi cho biết.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chọn các hoạt động phù hợp với lứa tuổi của con. Hoạt động cũng cần phù hợp với kỹ năng phát triển của cá nhân từng trẻ. Đồng thời, mang lại cho trẻ nhiều cơ hội vận động đa dạng. Bởi, nếu các hoạt động thiếu đa dạng, trẻ cũng sẽ không phát triển được hết sự tích cực của mình.
Ngoài ra, khoảng thời gian trẻ được tự do vui chơi, tự đưa ra quyết định mà không có sự chỉ dẫn của người lớn cũng rất cần thiết. Song, trẻ cần được vui chơi ở trong một môi trường an toàn và vẫn có sự giám sát.
Cô Mai Chi nhấn mạnh, cha mẹ và người chăm sóc trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Bởi, trẻ luôn theo dõi cách mà cha mẹ sử dụng thời gian. Do đó, cha mẹ cần trở thành một tấm gương tốt trong việc hoạt động thể chất. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần có sự giám sát chặt chẽ, vừa có kỷ luật đi kèm với tình yêu thương đối với trẻ.
“Trẻ rất cần có cha mẹ hiện diện trong các hoạt động thể chất của mình, vừa để hướng dẫn, giáo dục, vừa để truyền cảm hứng và đồng hành. Các hoạt động thể chất cần được tổ chức một cách khoa học. Từ đó, giúp trẻ hình thành những kỹ năng cơ bản, xây dựng lối sống lành mạnh để có được sự phát triển hài hòa hơn trong học tập và trong cuộc sống”, cô Chi chia sẻ.
Trẻ mầm non được khuyến nghị dành 3 giờ vận động mỗi ngày. Ảnh minh họa.
Góp phần vào sự phát triển của trẻ
Theo Viện Y học Ứng dụng, hoạt động thể chất làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, loãng xương, tăng huyết áp, béo phì và các hội chứng chuyển hóa.
Đồng thời, hoạt động thể chất cũng giúp cải thiện rõ rệt tình trạng thể lực, bao gồm việc gia tăng sức mạnh cơ và sức khỏe của xương, tính linh hoạt của các khớp. Hoạt động thể chất cũng có thể cải thiện sức khỏe tâm thần bằng cách làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa lo lắng và trầm cảm, cũng như cải thiện tâm trạng và làm con người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Đặc biệt, đối với trẻ em, hoạt động thể chất có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của xương, giúp các bé cao lớn hơn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tác động tích cực của hoạt động thể chất đối với sức khỏe xương, đặc biệt là hàm lượng khoáng chất xương và mật độ xương.
Trẻ em và thanh, thiếu niên có hoạt động thể chất tích cực có hàm lượng khoáng chất và mật độ xương cao hơn so với các trẻ khác.
Các chuyên gia tin rằng, những ảnh hưởng của hoạt động thể lực đến mật độ khoáng xương cũng có thể mang lại lợi ích cho việc phòng ngừa gãy xương. Mức độ hoạt động thể chất được cho là yếu tố quyết định cho phản ứng tạo xương. Vì vậy, các hoạt động như đi bộ có hiệu quả khiêm tốn nhất. Bởi, ngay cả những người không hoạt động nhiều cũng có thể bước đi từ vài trăm đến trên một nghìn bước mỗi ngày.
Các hoạt động tạo ra lực cơ lớn hơn trên xương, như bài tập đối kháng và các hoạt động “tác động” với lực phản lại trên mặt đất lớn hơn bình thường có tác dụng thúc đẩy quá trình khoáng hóa và mô hình hóa.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ gãy xương liên quan đến loãng xương bằng nhiều cách khác nhau.
Thời kỳ tiền dậy thì là giai đoạn phát triển quan trọng. Khoảng 26% hàm lượng khoáng chất trong xương người trưởng thành được tích lũy trong suốt 2 năm xung quanh thời gian xương phát triển nhanh nhất. Sự gia tăng khoáng chất góp phần tăng cường độ xương.
Khoáng chất tích tụ trên bề mặt quanh xương, giúp phát triển bề ngang của xương. Tăng bề ngang xương cũng góp phần tăng cường độ chắc khỏe của xương.
Để có hiệu quả cao nhất cho sự phát triển và tăng trưởng khỏe mạnh của xương, trẻ cần được thiết lập một kế hoạch hoạt động thể dục thể thao và học tập các kỹ năng vận động.
Hoạt động thể chất thường xuyên và đơn giản trong ngày như tập thể dục mang lại lợi ích ngắn hạn cho sức khỏe tinh thần và nhận thức của trẻ. Đồng thời, cung cấp cơ hội thực hành kỹ năng và xây dựng sự tự tin nhằm thúc đẩy sự tham gia liên tục các hoạt động thể chất.
Vân Huyền
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nghi-he-choi-la-chinh-post640772.html