Tay chân miệng có thể gặp quanh năm, nhưng có xu hướng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.
Hình minh họa.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý phụ huynh, mặc dù trẻ đã khỏi bệnh tay chân miệng nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ em đối với bệnh này không bền vững.
Theo đó, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột, có thể tạo thành dịch. Bệnh chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Bác sĩ Lưu thông tin về các dấu hiệu của bệnh, giúp người nhà sớm nhận biết con em mình mắc bệnh, gồm: sốt (nhẹ đến cao), loét miệng, nổi hồng ban mụn nước, các vị trí thường gặp: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông.
Bệnh tay chân miệng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở não bộ như viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não, hay các biến chứng khác về tim mạch và hô hấp. Đây là các biến chứng rất nguy hiểm, có thể tử vong nhanh nếu không được xử lý kịp thời.
Vì vậy, bác sĩ Lưu khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa con trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh. Đặc biệt theo dõi tái khám mỗi ngày đến bảy ngày của bệnh và chú ý các biểu hiện nghi ngờ biến chứng:
Sốt cao liên tục khó hạ.
Giật mình nhiều (trên 3 lần/giờ hoặc 2 lần/30 phút).
Run chi, đi loạng choạng.
Co giật.
Ói nhiều.
Thở nhanh, thở mệt.
Tím tái.
Lơ mơ, hôn mê.
Do chưa có vaccine ngừa bệnh, phụ huynh có thể phòng ngừa cho trẻ bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp.
Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, cũng như xử lý phân, dịch tiết.
Theo Vnexpress.net
Theo VTV