Bệnh dại có thể phát triển quanh năm. Tuy nhiên, theo thống kê, vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 là thời điểm tập trung nhiều ca bệnh dại.
Để phòng bệnh dại, quan trọng nhất là tiêm vắc xin. Ảnh minh họa.
Tử vong do không tiêm vắc-xin
Ngày 9/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, địa phương vừa ghi nhận thêm trường hợp tử vong nghi do bệnh dại. Người tử vong là bà K.O.A. (78 tuổi, ngụ buôn Jung 2, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk).
Theo người nhà bệnh nhân, khoảng tháng 12/2022, bà A. đem một con chó lạ ngoài đường về nuôi. Quá trình tiếp xúc, không may, bà bị con chó cắn vào ngón trỏ tay trái. Ba ngày sau, con chó chết nhưng bà không đi tiêm phòng dại.
Ba ngày trước, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng như khó thở, khó nuốt, nói nhảm. Ngày 8/5, bệnh nhân được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Bệnh nhân được người nhà xin về và tử vong vào chiều 9/5.
Sau khi ghi nhận trên địa bàn huyện có trường hợp tử vong nghi do dại, Trung tâm Y tế huyện nhanh chóng giám sát ổ dịch dại tại địa phương. Đồng thời, phối hợp các cơ quan, đoàn thể liên quan có hướng xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng.
Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng tiếp nhận hai bệnh nhi đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nghi do chó cắn rồi phát bệnh dại. Người nhà cho biết, trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo.
Trước khi xuất hiện các triệu chứng trên, gia đình có một con chó chết không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ nhận định, bệnh nhi phát bệnh dại. Dù được tích cực điều trị, hai trẻ đã không qua khỏi sau khi nhập viện.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 30 tuổi nhập viện trong tình trạng hốt hoảng, kích thích, sợ nước, sợ gió. Bệnh nhân được chẩn đoán và làm xét nghiệm virus dại có kết quả dương tính. Điều đáng nói, nam bệnh nhân từng bị chó cắn trước đó 3 - 4 tháng nhưng không tiêm vắc-xin.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng hơn 10 triệu người phải tiêm vắc-xin phòng dại và khoảng 60.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại mỗi năm. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta ghi nhận hàng trăm ca tử vong vì bệnh dại mỗi năm trong giai đoạn 1990 - 2000.
Trong đó, năm 2018, đã có 86 người không qua khỏi vì bệnh dại và hơn 400.000 người phải tiến hành điều trị dự phòng vì bị động vật cắn. Tử vong vì bệnh dại chiếm đến 1/3 các ca tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra.
Thời điểm ghi nhận nhiều ca bệnh
Theo bác sĩ Lê Thị Trúc Phương - Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, bệnh dại có thể phát triển quanh năm. Tuy nhiên, theo thống kê, vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 là thời điểm tập trung nhiều ca bệnh dại.
Lý giải về tình trạng này, theo bác sĩ Phương, đây là thời điểm trẻ được nghỉ hè. Do đó, trẻ có thể có nhiều thời gian tiếp xúc với vật nuôi. Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến nguy cơ số ca mắc bệnh dại tăng nhanh.
Theo chuyên gia này, để phòng bệnh dại, quan trọng nhất là tiêm vắc-xin. Người dân cần tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo để phòng ngừa. Song, thực tế, đây là vấn đề chưa được quan tâm. Tại nước ta, theo các thống kê, chỉ khoảng 50% chó, mèo được tiêm vắc-xin phòng dại. Một lưu ý khác là cần đeo rọ mõm cho chó khi dắt chúng ra ngoài đường.
“Tiêm phòng vắc-xin ngừa dại nên được thực hiện ngay sau khi bị động vật cắn càng sớm càng tốt. Theo Bộ Y tế, thời gian tiêm phòng vắc-xin ngừa dại và thực hiện điều trị an toàn là trước 24 giờ đồng hồ sau khi bị động vật cắn. Sau giai đoạn này, bệnh sẽ chuyển biến tiêu cực hơn, virus đã xâm nhập vào hệ thần kinh, khiến cho hiệu quả điều trị kém đi”, bác sĩ Phương khuyến cáo.
Để đạt được hiệu quả tiêm phòng vắc-xin ngừa dại tốt nhất, người dân cần kiêng dùng các loại thuốc có công dụng ức chế, làm suy yếu hệ miễn dịch như thuốc điều trị sốt rét (aminoquinolines (2)), thuốc chữa ung thư hay corticoid trong vòng 6 tháng.
Bởi, khi hệ miễn dịch bị suy giảm chức năng, cơ thể sẽ không có khả năng sản xuất lượng kháng thể vừa đủ để duy trì sự ổn định sau khi tiêm phòng dại.
Ngoài ra, cần kiêng tiếp nạp những loại thức ăn chứa nhiều đạm và chất béo. Thay vào đó, nên xây dựng chế độ ăn uống bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất.
Kiêng sử dụng các loại đồ uống có cồn như rượu bia. Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá. Từ đó, tránh trường hợp các chất kích thích có hại làm rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó nắm bắt hơn.
Người dân cũng nên hạn chế vận động nặng, quá sức với cường độ cao, kể cả lái xe hoặc vận hành máy móc. Bởi, sau tiêm, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái kém ổn định, người tiêm thường xuyên bị chóng mặt, choáng váng. Từ đó, có thể gây ra các chấn thương đáng tiếc.
Đồng thời, cần kiêng cho trẻ sơ sinh bú đối với các nhóm là phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú. Nhóm này có thể tiếp nhận sự tư vấn của bác sĩ về các rủi ro có thể xảy ra khi cho con bú sau khi tiêm phòng vắc-xin ngừa dại. Từ đó, ra quyết định có nên cho con bú trong thời kỳ này hay không.
Ngoài ra, trong quá trình tiêm hoặc sau khi tiêm, nếu cảm thấy sốt, choáng váng, mệt mỏi hay các dấu hiệu khác liên quan đến tình trạng sức khỏe, người dân cần báo ngay với nhân viên y tế để kịp thời xử lý vấn đề.
Đối với những người đang mắc các bệnh lý cấp tính, không nên áp dụng phác đồ tiêm phòng vắc-xin ngừa dại trước phơi nhiễm. Cần trì hoãn cho đến khi điều trị khỏi hẳn bệnh lý cấp tính mới tiêm.
Trong trường hợp khẩn cấp, cần tiến hành tiêm bắp vắc-xin dại. Đồng thời, bệnh nhân cần được nhân viên y tế theo dõi lượng kháng thể virus dại có trong máu.
Vân Huyền
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-ca-benh-dai-tang-vao-mua-he-post638163.html