Hân có biểu hiện ốm nghén, ngực căng, mất kinh nguyệt, tăng cân nhưng đi khám trong bụng không có thai.
Hân (33 tuổi, Tây Ninh) đã kết hôn 2 năm nhưng chưa sinh con. Năm 2022, chị từng một lần mang bầu nhưng sảy thai. Gần đây thấy trễ kinh hơn một tháng, kèm dấu hiệu ốm nghén nên Hân đến Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM khám. "Những biểu hiện thai nghén rõ ràng, giống như lần đầu tiên cấn bầu. Sau thời gian trễ kinh, cơ thể càng thay đổi rõ rệt hơn", chị nói với bác sĩ.
BS.CKI Trần Lâm Khoa, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết Hân có các dấu hiệu thường gặp ở phụ nữ mang thai: căng tức ngực, mất kinh nguyệt, tăng 5 kg, buồn nôn... Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu, siêu âm cho thấy bệnh nhân không mang thai. Hân được thực hiện thêm các xét nghiệm nội tiết, kiểm tra tình trạng rối loạn kinh nguyệt, sử dụng thuốc điều hòa kinh nguyệt.
"Trường hợp chị Hân, chúng tôi kết luận do tâm lý mong con nên có hiện tượng ốm nghén như mang bầu thật", bác sĩ Lâm Khoa nói.
Thai phụ được siêu âm thai tại Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Tuệ Diễm
Theo bác sĩ Lâm Khoa, đến nay khoa học vẫn chưa khẳng định rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng mang thai giả. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố tâm lý và nội tiết góp phần gây ra hiện tượng này. Phụ nữ có thể tăng tiết hormone, thay đổi cơ thể giống như triệu chứng mang thai.
Việc mong muốn, khát khao có con quá mức tác động lên tâm lý dẫn đến các thay đổi về nội tiết. Điều này có thể giải thích cho những triệu chứng người mang thai giả dễ gặp phải: mất kinh nguyệt, buồn nôn. "Các nhà khoa học cũng có giả thuyết sự lo lắng, căng thẳng tác động trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận, từ đó gây tăng cân, bụng to, táo bón, nhu động ruột khiến phụ nữ hiểu nhầm thai máy", bác sĩ Lâm Khoa lý giải.
Mang thai giả là tình trạng hiếm gặp, thống kê có khoảng 1-6 trường hợp trên 22.000 ca sinh tại Mỹ. Tình trạng thường xuất hiện ở phụ nữ từ 16-39 tuổi, có 2/3 phụ nữ mang thai giả đã có gia đình.
Tình trạng mang thai giả được phát hiện từ những năm trước Công nguyên. Nữ hoàng Mary I (1516-1558) là trường hợp mang thai giả nổi tiếng nhất lịch sử phương Tây.
Các triệu chứng mang thai giả có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Thời xa xưa, y học có thể chẩn đoán sai một số trường hợp mang thai giả. Ngày nay, có nhiều phương pháp xác thực tình trạng có thai.
Nhóm phụ nữ dễ có triệu chứng mang thai giả gồm: phụ nữ hiếm muộn mong con, tiền căn sảy thai, trường hợp sợ mang thai do: bị hiếp dâm, lạm dụng tình dục, vừa sinh con nhỏ không sử dụng biện pháp ngừa thai khi quan hệ. Tình trạng này cũng có thể bắt gặp ở nhóm chị em mắc u tuyến yên, tăng prolactin có biểu hiện trễ kinh, ngực căng tiết sữa, mệt mỏi, tăng cân.
Ở phụ nữ mong con, hội chứng này nên đi khám với bác sĩ sản khoa, hiếm muộn để được tư vấn kịp thời. Thông qua các xét nghiệm, kiểm tra cho sản phụ mang thai giả có thể phát hiện bệnh lý: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, rối loạn nội tiết...
Tuệ Diễm(Vnexpress.net)