Cử tri TP.HCM cho rằng, chủ trương xã hội hóa GD-ĐT là phù hợp, tuy nhiên đang tồn tại một số bất cập.
Ảnh minh họa/ITN.
Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT có chủ trương, quyết sách kịp thời để giải quyết.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, cụ thể như:
Trình Quốc hội ban hành Luật Giáo dục 2019, khẳng định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục.
Điều 85 Luật Giáo dục 2019 khẳng định chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, trường tư thục qua chính sách Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng.
Đồng thời, Luật Giáo dục đã quy định giao cho Hội đồng nhân dân quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho các học sinh tiểu học ngoài công lập, để khuyến khích loại hình trường ngoài công lập phát triển.
Bộ GD&ĐT cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế;
Bộ đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính (đơn vị chủ trì) trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó quy định lộ trình tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ, gắn với hỗ trợ chi ngân sách nhà nước đối với đơn vị công lập.
Cùng với đó là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 về hướng dẫn Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, trong đó cho phép đơn vị sự nghiệp được sử dụng tài sản để thực hiện các hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm khai thác thêm nguồn thu cho đơn vị.
Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị chủ trì) trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Phối hợp với Bộ Tài chính (đơn vị chủ trì) trình Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ. Trong đó quy định chính sách ưu đãi về cho thuê đất; cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất; ưu đãi lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách ưu đãi tín dụng, huy động vốn...).
Để tiếp tục khuyến khích phát triển xã hội hóa, Bộ Tài chính đang rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ. Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc góp ý, bổ sung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/NĐ-CP. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo.
Hải Bình
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ban-hanh-nhieu-van-ban-nham-day-manh-xa-hoi-hoa-giao-duc-post630879.html