Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó có thêm quy định về lương, phụ cấp đối với nhà giáo.
Luật điều chỉnh về nhà giáo được ban hành sẽ khắc phục sự bất bình đẳng công tư trong chính sách, chế độ đối với nhà giáo... Ảnh: TG.
Tác động tích cực tới nhà giáo
Gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Lê Thị Hồng An –Trường tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui khi được biết Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, bởi đây là mong mỏi của đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Theo cô An, nếu Luật Nhà giáo được ban hành với những điều chỉnh về lương, chính sách ưu đãi thì có thể giải quyết được phần nào những áp lực từ “cơm áo, gạo tiền”; bởi đội ngũ nhà giáo kỳ vọng, nếu luật được ban hành thì giáo viên có thể sống được bằng nghề và yên tâm công tác.
“Trên hết, chúng tôi thấy tự hào và hạnh phúc vì được quan tâm, chăm lo và tôn vinh. Qua đó, tạo thêm động lực để thầy – cô yên tâm công tác, tận tâm, tận hiến với sự nghiệp trồng người” – cô An bộc bạch.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – nhìn nhận, thực tế, giáo viên phải đối diện với nhiều áp lực từ công việc đến cuộc sống. Trong khi tiền lương chưa tăng thì giá cả đã leo thang, khiến cuộc sống thêm nhiều khó khăn. Nhiều thầy, cô giáo phải làm thêm nghề phụ để “nuôi nghề chính”.
2 năm qua, chúng ta đã chứng kiến thực trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề với con số báo động. Riêng năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc. Trong khi, cả nước đang thiếu khoảng 100.000 giáo viên. Thực trạng này khiến áp lực càng gia tăng cho ngành Giáo dục, nhất là khi cả nước đang triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, một trong những nguyên nhân khiến nhiều giáo viên xin nghỉ việc là vì lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều tỉnh có chỉ tiêu tuyển dụng mới nhưng không có nguồn tuyển do ở vùng sâu, vùng xa; sinh viên sau tốt nghiệp không mặn mà ứng tuyển vì điều kiện khó khăn, lương thấp, chế độ đãi ngộ không tương xứng.
“Trước thực trạng trên, nếu Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua sẽ tác động tích cực tới đời sống của hơn một triệu nhà giáo. Quan trọng hơn sẽ thu hút và giữ chân được những thầy cô, giáo giỏi, tâm huyết với sự nghiệp trồng người” – TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.
Cô giáo Lê Thị Hồng An –Trường tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.
Giải pháp thu hút và giữ chân giáo viên giỏi
Đồng quan điểm, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý, Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) – nhấn mạnh, để giải quyết áp lực cho giáo viên và “giữ chân” giáo viên giỏi, cần có những giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài.
“Tôi cho rằng, gốc rễ phải giải quyết cho giáo viên là vấn đề thu nhập. Họ phải bảo đảm được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Nếu không, giáo viên buộc phải bỏ nghề hoặc làm thêm. Hy vọng, nếu có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết căn cơ những vấn đề trên”- TS Hoàng Trung Học trao đổi.
Bên cạnh đó, TS Hoàng Trung Học cho rằng, cần xây dựng cụ thể các hướng dẫn, công cụ để giúp giáo viên thực sự nắm rõ và thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Toàn xã hội, truyền thông cần nhìn nhận, đánh giá và dành cho thầy, cô giáo sự tôn trọng nghề nghiệp ở mức độ cần thiết. Ghi nhận, dành cho thầy cô sự trân quý, cũng là cách để họ có động lực cống hiến.
“Ngoài ra, bản thân mỗi nhà giáo và nhà trường phải làm công tác tư tưởng để sốc lại tinh thần, thay đổi tư duy làm giáo dục cho giáo viên trong giai đoạn mới. Làm sao để giáo viên có kỹ năng và năng lực ứng phó với những khó khăn mới; Đồng thời, có nhận thức đúng về những thách thức mới của nghề nghiệp. Có như vậy, nhà giáo mới làm tốt công tác giáo dục trong bối cảnh hiện nay” - TS Hoàng Trung Học nhìn nhận.
Hiện nay, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Đây là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực. Đội ngũ này hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.
Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT nêu quan điểm, Luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".
Luật Nhà giáo là văn bản luật điều chỉnh toàn bộ các vấn đề cơ bản liên quan đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; trên cơ sở tổng kết thực tiễn và học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo.
Luật Nhà giáo vừa là sự kế thừa, hoàn thiện các quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục, vừa bổ sung, pháp điển hoá các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo còn phù hợp với thực tế và đã có tác động tích cực đối với sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.
Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ Nhà giáo. Qua đó, nhằm đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của giáo viên, trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Từ đó, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Với vị trí là một đạo luật chuyên ngành về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Luật Nhà giáo cần được xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.
Minh Phong
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ban-hanh-luat-nha-giao-se-giam-phan-nao-ap-luc-voi-nghe-post629104.html