Khi chẩn đoán viêm phế quản cho trẻ dưới 5 tuổi sẽ làm tăng lạm dụng kháng sinh gấp 20 lần so với bệnh khác.
Viêm phế quản cấp tính là hiện tượng viêm nhiễm kích thích cấp tính ở niêm mạc phế quản làm rối loạn xuất tiết, tính thấm và phản ứng tại chỗ của phế quản. Nguyên nhân gây viêm phế quản thường là do virus (dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn). Khi cơ thể có sức đề kháng yếu hoặc thuyên giảm, trong môi trường ô nhiễm, thời tiết trở lạnh đột ngột, thì những vi khuẩn này hoạt động càng mạnh mẽ, nhất là ở mũi và họng và gây ra bệnh.
Khi trẻ ốm, bố mẹ thường rất hay sốt ruột, cho con đi khám và sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Đừng chẩn đoán viêm phế quản cho trẻ dưới 5 tuổi".
"Viêm phổi chắc chắn là nghiêm trọng hơn. Viêm phế quản hầu như không có gì là nghiêm trọng cả. Các thầy thuốc, đặc biệt là những người thầy thuốc làm hô hấp như chúng tôi thì nói là Đừng chẩn đoán viêm phế quản ở trẻ con dưới 5 tuổi. Tổ chức Y tế cũng khuyên như vậy, người ta thấy là nếu chẩn đoán viêm phế quản thì chỉ để cho bác sĩ kê nhiều đơn kháng sinh mà thôi. Vì mẹ cũng lo mà bác sĩ cũng lo, nhưng kỳ thực viêm phế quản là do virus, cũng giống y nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Có một bệnh đường hô hấp dưới mà giống y như đường hô hấp trên là viêm phế quản cũng do virus, có thể tự khỏi bằng thuốc chữa triệu chứng. Còn trẻ trên 5 tuổi thì có một số trường hợp thật sự là viêm phế quản phải để ý dùng kháng sinh, còn đại bộ phận không phải dùng kháng sinh, kể cả người lớn", bác sĩ Dũng nói.
Không được dùng kháng sinh trong viêm phế quản để phòng viêm phổi
Bác sĩ Dũng chia sẻ: "Một số người ngộ nhận viêm phế quản mà cho uống kháng sinh thì sẽ không bị biến thành viêm phổi. Không, chúng tôi đã nghiên cứu rồi, có uống kháng sinh trước thì vài ngày sau trẻ bị viêm phổi vẫn sẽ là viêm phổi. Mà không uống kháng sinh thì con vẫn bị viêm phổi, vẫn là như thế. Nghiên cứu này rất hay ở Indonesia (nơi có hoàn cảnh giống chúng ta), chúng tôi nghiên cứu thấy tác hại nhiều hơn. Nếu cho thuốc kháng sinh để phòng viêm phổi, đến khi trẻ mắc viêm phổi thật thì những cháu đã uống kháng sinh trước lại nặng hơn rất nhiều so với những cháu chưa uống gì cả. Lúc bị viêm phổi thì chỉ cần dùng liều kháng sinh là khỏi, còn với bé uống trước rồi dễ bị kháng thuốc, nhiều khi phải chữa bằng kháng sinh hiện đại hơn. Tóm lại, không được dùng kháng sinh trong viêm phế quản để phòng viêm phổi. Đó là không được".
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng
Chẩn đoán viêm phế quản là một nguyên nhân khiến lạm dụng kháng sinh
"Trẻ dưới 5 tuổi đừng chẩn đoán là viêm phế quản. Khi chẩn đoán viêm phế quản làm tăng lạm dụng kháng sinh gấp 20 lần so với bệnh khác. Kháng sinh dự phòng dùng trong trường hợp khác chứ không phải là ho. Con nhiễm trùng đường hô hấp trên cứ uống kháng sinh để không bị viêm phổi là nhầm", bác sĩ nhấn mạnh.
Làm gì để phòng viêm phế quản cho trẻ
- Chủ động chăm sóc sản phụ ngay từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ để tránh trường hợp bé sinh non, sức đề kháng yếu.
- Cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu, chỉ cai sữa ít nhất 18 tháng sau khi sinh.
- Chủ động giữ ấm cho trẻ, đeo khẩu trang và bảo vệ trẻ trước những thay đổi của thời tiết và không khí lạnh. Giữ gìn môi trường xung quanh nhà ở sạch sẽ, hạn chế khói bụi, thuốc lá...
- Chủ động phòng tránh và cách ly trẻ với người bị bệnh về đường hô hấp và các bệnh lây nhiễm virus.
- Mặc dù viêm phế quản cấp có thể tự khỏi và không để lại di chứng, nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng lúc, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần trang bị những kiến thức về căn bệnh này để có thể chăm sóc cho trẻ tốt nhất.
Theo Afamily.vn
Theo Thể thao và Văn hoá