Xã hội
   Bộ GD&ĐT thông tin chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
 

Bộ GD&ĐT vừa thông tin việc tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

 

Cô trò Trường mầm non Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.

Tôn vinh, tri ân nhà giáo

Sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) được Bộ GD&ĐT xác định là một trong những việc trọng tâm trong năm 2022. Chuỗi các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh, tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển GD-ĐT; tạo hứng khởi, khơi dậy tinh thần “hết lòng vì học sinh thân yêu”, thúc đẩy đội ngũ nhà giáo và toàn ngành Giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Chuỗi sự kiện cũng là dịp để toàn xã hội thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng ngành Giáo dục chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, phát triển GD-ĐT đáp ứng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Qua đó, giáo dục và phát huy hơn nữa truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, là dịp ghi nhận, tri ân sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp GD&ĐT.

Đại lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào sáng ngày 19/11/2022 tại Hà Nội, với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cơ quan trung ương; đại diện các địa phương, cơ sở giáo dục và đặc biệt là sự hiện diện của 400 nhà giáo xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn từ hơn 1,2 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các cựu giáo chức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trước khi diễn ra đại lễ, đoàn giáo viên xuất sắc tiêu biểu sẽ vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có cuộc Hội kiến với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và có buổi gặp mặt trò chuyện với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ có các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng, tri ân các nhà giáo lão thành, những người có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp GD&ĐT của đất nước.

Nhiều hoạt động khác cũng được Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các địa phương tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam như: Khánh thành công trình tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục (trụ sở đầu tiên của Bộ GD&ĐT) tại tỉnh Tuyên Quang; khánh thành công trình tôn tạo khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành Giáo dục tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị; Hội thao giáo viên nhân dân toàn quốc và nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ ý nghĩa khác.

 

Đội ngũ giáo viên có đóng góp to lớn cho ngành Giáo dục.

Thành quả trong phát triển đội ngũ giáo viên và đóng góp của nhà giáo

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự chăm lo của các đoàn thể, tổ chức xã hội, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, sự phối hợp của các bậc cha mẹ học sinh, đặc biệt là nỗ lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, sự nghiệp GD&ĐT nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước tiến bộ, trình độ nghề nghiệp của người lao động được nâng cao. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, từng bước phát triển về chất lượng.

Đến nay, cả nước có hơn 1,3 triệu nhà giáo, trong đó có gần 80.000 giảng viên đại học, cao đẳng với hơn 48.000 thạc sĩ, hơn 24.000 tiến sĩ, gần 5.000 giáo sư, phó giáo sư. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.

Hầu hết các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều khởi sắc và tiếp tục khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Chất lượng giáo dục nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

 

6/6 học sinh Việt Nam đều đoạt giải tại cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022 (IMO 2022) tổ chức tại Na Uy.

Việt Nam hiện được xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới, theo báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương” năm 2018 của Ngân hàng Thế giới. Hay trong các Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh Việt Nam đều đạt kết quả ấn tượng, vượt qua mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Học sinh Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2018-2022 có 175 học sinh Việt Nam dự thi các kỳ Olympic quốc tế và khu vực thì 100% đạt giải, trong đó có những học sinh giành Huy chương Vàng với số điểm cao nhất thế giới, có những học sinh chỉ mới lớp 10 đã giành Huy chương Vàng.

Cụ thể: Năm 2018, 13 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 11 huy chương đồng; năm 2019, 15 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 7 huy chương đồng; năm 2020 có 9 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 5 huy chương đồng và 2 giải khuyến khích; năm 2021 có 12 huy chương vàng, 15 huy chương bạc, 10 huy chương đồng; năm 2022 có 13 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 8 huy chương đồng.

Giáo dục đại học có bước tiến dài, nhiều trường đại học liên tục có tên và liên tục cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế…Tính đến cuối năm 2020, 7 trường đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). 368 chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, hai đại học của Việt Nam, là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM, lọt vào danh sách 1.000 trường hàng đầu thế giới của Tổ chức Quacquarelli Symonds (Anh). Mặt khác, tự chủ đại học đã tạo nên đột phá khi nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới. Việt Nam cũng đứng thứ 49 thế giới về số lượng báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín. Cả nước hiện có 176 trường đại học công lập, 66 trường ngoài công lập, với gần 1,7 triệu sinh viên.

Thành tựu về giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc chất lượng nguồn nhân lực. Như năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở 40% thì đến năm 2020 đã tăng lên 64%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% lên 24,5%.

Từ năm 2020 đến nay đánh dấu bước chuyển đổi linh hoạt của hệ thống giáo dục Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh. Với chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, các cấp bậc học (trừ mầm non) đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến qua internet và truyền hình, đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai trên quy mô cả nước.

Báo cáo PISA của OECD công bố ngày 29/9/2020, đánh giá: “Việc học trực tuyến để phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”. Đây là nhận định xác đáng khi Việt Nam có gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn mức trung bình 67,15% của các nước OECD, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học đã có bước phát triển đồng bộ, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào các lĩnh vực từ khoa học cơ bản đến khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ.

 

Ảnh minh họa/ITN.

Đến nay, trong toàn hệ thống giáo dục đại học đã có hơn 73 ngàn giảng viên đại học cơ hữu, trong đó có hơn 22 ngàn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Đây là đội ngũ nhà giáo - nhà khoa học, vừa nghiên cứu vừa giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Đây là đội ngũ tinh hoa, là “máy cái” trực tiếp đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, qua 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ nhà giáo - nhà khoa học cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đóng góp đáng kể cho công cuộc phát triển đất nước nói chung và khoa học, công nghệ nói riêng.

Công bố quốc tế của đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đại học đã tăng lên mạnh mẽ, đóng góp khoảng 80% tổng số các công bố quốc tế trên cơ sở dữ liệu có uy tín giai đoạn 2016-2021 đưa xếp hạng của Việt Nam theo dữ liệu Scopus tăng từ bậc 57 năm 2016 lên bậc 45 năm 2021 trên toàn thế giới và hiện đứng thứ 12 ở Châu Á, thứ 5 trong khối ASEAN góp phần không nhỏ trong việc nâng cao xếp hạng cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Các thế hệ nhà giáo Việt Nam bằng trí tuệ, tâm huyết, tình yêu nghề, yêu người và đức hi sinh, tận hiến đã âm thầm đóng góp quan trọng làm nên những thành tựu lớn lao đó.

GD&ĐT đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 Ban Chấp hành Trung ương. Đóng vai trò quyết định cho thành công của đổi mới chính là là đội ngũ nhà giáo. Dù ở nơi thuận lợi hay nơi khó khăn, dù đời sống còn nhiều vất vả, song điểm chung lớn nhất là các thầy cô đều nỗ lực, cố gắng không ngừng và sẵn sàng tâm thế cho quá trình đổi mới. Tâm thế này cùng với quá trình được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đã giúp các thầy cô tự tin trở thành nhân tố quan trọng của quá trình đổi mới.

 

Hiếu Nguyễn

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-thong-tin-chuoi-hoat-dong-ky-niem-40-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-post615592.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Nhà giáo - Nghề cao quý (18/11)
 Trọn vẹn ý nghĩa ngày tri ân (17/11)
 Đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên (16/11)
 Cơ hội biên chế cho hàng ngàn giáo viên hợp đồng Nghệ An (11/11)
 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần cấp bách tăng lương ngăn giáo viên bỏ việc (7/11)
 Thanh Hóa: Giáo viên vùng đặc biệt khó khăn mòn mỏi chờ trợ cấp (7/11)
 Không 'bỏ rơi' nhà giáo ngoài công lập (4/11)
 Học sinh mầm non và tiểu học tại TPHCM vào học từ 7 giờ 30 phút (2/11)
 Phụ cấp ưu đãi và tâm nguyện của nhà giáo (2/11)
 Sở GD&ĐT TPHCM hướng dẫn mức thu học phí áp dụng cho năm học 2022-2023 (1/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i