TPHCM không sáp nhập trường mầm non vào trường phổ thông, đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất 1 trường mầm non công lập.
Bữa ăn bán trú của Trường mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức).
Ông Mai Phương Liên, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, căn cứ trên thực tế qui mô của các đơn vị, Sở đã tiến hành rà soát và sắp xếp lại các đơn vị có qui mô chưa phù hợp.
Trong đó ngành học Mầm non đã sắp xếp, sáp nhập thành 17 trường mới từ 32 điểm trường có qui mô nhỏ, dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục sáp nhập thêm 11 trường.
Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, không sáp nhập các trường mầm non vào các trường phổ thông; đảm bảo quyền lợi đến trường của trẻ em; đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất 1 trường mầm non công lập.
Ngoài ra TP còn thực hiện nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt tại các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, tiếp tục phát triển các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục để giảm áp lực cho các trường mầm non công lập.
Trong năm học 2021-2022, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 18 dự án xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng các cơ sở giáo dục mầm non, với tổng kinh phí lên đến hơn 630 tỷ đồng. Tổng số phòng học mới đưa vào sử dụng là 205 phòng học, tăng thêm 113 phòng học so với năm học trước.
Song song đó, kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ, thu hút giáo viên mầm non công lập theo Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 6/7/2017, Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND ngày 23/3/2021 của Hội đồng Nhân dân TPHCM là hơn 202 tỷ đồng (trong năm 2021) và 190 tỷ đồng (năm 2022).
Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, TPHCM dự kiến chi khoảng 129.866 triệu đồng để TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trong hè cho các cơ sở giáo dục mầm non.
Trong bối cảnh giải quyết khó khăn về chỗ học mầm non cho con em trên địa bàn, Sở này cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân TPHCM ban hành quy định về chương trình huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non công lập, phê duyệt 86 dự án xây dựng trường mầm non công lập.
Sở cũng đã đề xuất Ủy ban nhân dân TPHCM xem xét, tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất vào mục đích làm các cơ sở giáo dục ngoài công lập do hiện trạng diện tích đất công hạn chế, chủ yếu quy hoạch trên đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khiến chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Ngoài ra TP còn triển khai gói tín dụng cho vay đặc thù trong ngành giáo dục, trong đó giảm tối đa các điều kiện cho vay, linh hoạt trong yêu cầu về tài sản đảm bảo để vay tín dụng phục vụ giảng dạy, đào tạo, xem xét áp dụng theo hình thức vay tín chấp đối với các cơ sở giáo dục cả trong và ngoài công lập.
Hiện nay, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội TPHCM ngày càng tăng, áp lực dân số tăng cơ học cao, ảnh hưởng đến công tác dự báo, tạo ra áp lực về cơ sở hạ tầng tại một số quận huyện như quận 7, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn.
Quá trình triển khai các dự án giáo dục gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng trường học. Số dự án đăng ký đầu tư lớn, tuy nhiên khả năng cân đối ngân sách thành phố có hạn.
Việc thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội hóa để phát triển hệ thống trường lớp còn nhiều hạn chế, do chưa có nhiều chính sách ưu đãi, hấp dẫn nhà đầu tư và các quy định về điều chỉnh quy hoạch, mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học tại các khu đất có chức năng quy hoạch là đất ở.
Hồ Phúc
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/tphcm-khong-sap-nhap-truong-mam-non-vao-truong-pho-thong-post612408.html