UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định trích 118 tỷ đồng bổ sung cho ngân sách các địa phương để chi trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng.
Giáo viên mầm non hợp đồng tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Nghệ An đã có quyết định về việc cấp kinh phí chi trả lương cho giáo viên hợp đồng huyện trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trích ngân sách tỉnh số tiền hơn 118 tỷ đồng, nguồn kinh phí phân bổ sau sự nghiệp giáo dục, cấp bổ sung cho các huyện, thành phố, thị xã để hỗ trợ cho giáo viên mầm non theo Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh Nghệ An ban hành tháng 7 vừa qua.
Cùng với quyết định này, UBND tỉnh giao Sở Tài chính cấp phát và quản lý theo chế độ hiện hành. Các huyện, thành phố, thị xã sử dụng nguồn kinh phí đúng chế độ, mục đích, đối tượng và thanh quyết toán đúng quy định hiện hành.
Giáo viên mầm non hợp đồng chật vật vì chậm lương
Trước đó, nhiều giáo viên mầm non hợp đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An phản ánh về tình trạng chậm lương nhiều tháng nay. Những giáo viên này hợp đồng theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV và Nghị định 06/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, từ sau tháng 12/2021, các văn bản trên hết hiệu lực, nguồn ngân sách Nhà nước chi trả lương cho các giáo viên này bị cắt.
Cô H.B.H là giáo viên hợp đồng tại một trường mầm non tại huyện Tân Kỳ. Mức lương và các chế độ phụ cấp kèm theo khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, cô chưa được nhận lương. Trong khi đó, gia đình cô đang trong cảnh vất vả, khó khăn khi chồng không có việc làm ổn định, 2 con nhỏ. Cuộc sống của cả nhà phụ thuộc vào nguồn lương cố định của tôi, nhưng nhiều tháng nay bị chậm lương khiến tôi phải vay mượn khắp nơi để trang trải sinh hoạt và đi dạy”, cô H. nói.
Tại huyện Tân Kỳ, cô H. không phải là trường hợp duy nhất mà có 105 giáo viên mầm non hợp động diện 06 và 09 đang bị chậm lương. Đây cũng là tình trạng tương tự của nhiều huyện, thị có số giáo viên mầm non hợp đồng đông như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, TP Vinh…
Huyện Yên Thành còn hơn 200 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09.
Huyện Yên Thành đang còn 238 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09. Trong số này nhiều cô vốn dạy tiểu học, THCS đã phải học thêm chứng chỉ, bằng cấp sư phạm mầm non để đạt điều kiện hợp đồng và công tác.
Ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho biết, nhiều giáo viên đã bị chậm lương 3 – 4 tháng. Trong đó có nhiều cô hoàn cảnh khó khăn, vất vả thường xuyên phản ánh lên Phòng.
Trước đó, huyện cũng đã vận dụng nguồn chi ngân sách sự nghiệp giáo dục năm 2022 để tạm chi trả cho các cô, nhưng số lượng giáo viên mầm non hợp đồng quá lớn.
Cấp ngân sách bổ sung giải quyết lương và chế độ
Qua tổng hợp của ngành giáo dục, hết năm 2021, tỉnh Nghệ An có 1.777 giáo viên mầm non hợp đồng diện 06, 09. Trước khi các văn bản này hết hiệu lực từ 31/12/2021, Sở GD&ĐT đã báo cáo và tham mưu UBND tỉnh về việc giải quyết chính sách cho các giáo viên này.
Trong thời gian chờ HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, cuối tháng 2, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản tạm thời hướng dẫn các địa phương án chi trả lương cho giáo viên. Theo đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã được sử dụng từ nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục năm 2022 và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ các trường mầm non trả lương cho giáo viên hợp đồng.
Tuy vậy, ngân sách chi sự nghiệp giáo dục năm 2022 đã được phân bổ theo tính toán và đề xuất của các địa phương. Còn nguồn thu các các trường quá nhỏ, và phải chi đúng mục đích, đối tượng. Nhiều trường chỉ có thể chi trả theo hình thức tạm ứng với số tiền 2 – 3 triệu đồng/tháng, hoặc chỉ chi trả được vài tháng hoặc chưa chi trả.
Tháng 7/2022, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết số 16. Theo đó, toàn bộ giáo viên mầm non hợp đồng 06 và 09 sẽ được hưởng lương từ ngân sách của tỉnh. Dự kiến, trong năm 2022 là 127,297 tỉ đồng, năm 2023 là 94,267 tỉ đồng, những năm tiếp nhu cầu kinh phí giảm dần (do được tuyển dụng vào viên chức); kết thúc việc hỗ trợ đến hết năm 2025.
Thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định cấp bổ sung ngân sách sự nghiệp giáo dục cho các địa phương năm 2022. Bao gồm kinh phí hỗ trợ 1 lần (từ tháng 1 đến tháng 8) và kinh phí hỗ trợ theo tháng (từ tháng 9 đến tháng 12).
Theo quyết định này, địa phương được cấp bổ sung ngân sách nhiều nhất là huyện Yên Thành với gần 21 tỷ đồng. Tiếp đến là huyện Quỳnh Lưu với 10,5 tỷ đồng; huyện Thanh Chương với 9,2 tỷ đồng; huyện Tân Kỳ 8,5 tỷ đồng; huyện Anh Sơn 8,4 tỷ đồng; huyện Đô Lương 8,3 tỷ đồng; thành phố Vinh hơn 7 tỷ đồng… Một số địa phương số kinh phí cấp bổ sung khoảng 1 tỷ đồng, chủ yếu là các huyện miền núi, đã tuyển dụng gần hết số giáo viên hợp đồng vào biên chế như huyện Quỳ Hợp hơn 440 triệu; huyện Quế Phong hơn 950 triệu và huyện Quỳ Châu gần 1 tỷ đồng.
Hồ Lài
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nghe-an-chi-hon-118-ty-dong-tra-luong-giao-vien-mam-non-hop-dong-post609113.html